(SGGP).- Chiều 14-5, Sở KH-CN TPHCM tổ chức hội thảo “Giải pháp rác thải đô thị - Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi”.
Thông tin tại đây cho biết, khối lượng chất thải rác phát sinh trên địa bàn TPHCM khoảng 7.500 - 8.000 tấn/ngày. Hầu hết khối lượng rác thải này, trong đó có cả rác thải nguy hại, đều được xử lý bằng cách chôn lấp gây ô nhiễm nước, đất, không khí.
Để giải quyết vấn đề này, TP đã đầu tư triển khai nhiều giải pháp để xử lý. Ngoài việc tiếp tục duy trì hai khu liên hiệp xử lý rác thải rắn Tây Bắc (Củ Chi) và Đa Phước (Bình Chánh) với công suất tiếp nhận 10.000 - 12.000 tấn/ngày. Hiện TP đang kêu gọi đầu tư thêm các dự án xử lý chất thải rắn, trong đó dự kiến có một nhà máy sản xuất compost công suất 1.000 tấn/ngày và hai nhà máy đốt chất thải rắn sinh hoạt kết hợp phát điện với công suất mỗi nhà máy là 1.000 tấn/ngày tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, Củ Chi.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, đánh giá việc xử lý rác thải rắn theo phương pháp thiêu đốt kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện là xu hướng tiên tiến, cho phép xử lý nhanh, hợp vệ sinh, không chiếm nhiều diện tích đất, không gây ô nhiễm đất, nước và môi trường. Phương pháp này đã phổ biến ở nhiều nước, trong đó, Singapore 100% rác thải rắn được xử lý bằng phương pháp này, Thụy Sĩ (80%), Nhật Bản (73%)...
Bên cạnh đó, thời gian qua Chính phủ cũng đã ban hành khá nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các dự án xử lý rác thải rắn bằng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng, phát điện. TPHCM sẽ tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ những giải pháp như vậy nhằm bảo vệ môi trường sống.
Tường Hân