TPP - Khởi động và chạy

Thông tin mới nhất từ Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Quốc hội tuần qua, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết chính thức vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016; sau đó các nước sẽ tiến hành phê chuẩn hiệp định, và TPP sẽ có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Có nghĩa là chúng ta sẽ có từ 18 - 24 tháng để khởi động và… chạy trên một đường đua hoàn toàn mới.

Thông tin mới nhất từ Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Quốc hội tuần qua, đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết chính thức vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016; sau đó các nước sẽ tiến hành phê chuẩn hiệp định, và TPP sẽ có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Có nghĩa là chúng ta sẽ có từ 18 - 24 tháng để khởi động và… chạy trên một đường đua hoàn toàn mới.

Tạm gác sang một bên các cuộc tranh luận ồn ào về TPP, như: “Được gì, mất gì? Thách thức hay cơ hội? TPP không phải màu hồng…”, giờ là lúc chúng ta nên tìm hiểu kỹ hơn những điều luật, quy định của TPP để tự điều chỉnh hướng đi, tư duy làm ăn theo những điều luật mới. Dựa vào những báo cáo tóm tắt vừa được công bố, Thỏa thuận TPP bao gồm 29 chương, nhưng chỉ có 5 chương là trực tiếp liên quan đến vấn đề trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Các chương còn lại đề cập nhiều vấn đề liên quan đến các điều luật chung, các chuẩn mực phải thực thi về môi trường, chất lượng lao động, luật lệ tài chính… TPP sẽ buộc các nước thành viên loại bỏ nhiều lợi ích của các công ty nhà nước (mà đây là bộ phận kinh tế chủ đạo của Việt Nam) để tạo cơ hội cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế… Điều quan trọng hơn, các thỏa thuận trong TPP sẽ tạo ra các điều luật quốc tế chung và các quốc gia thành viên sẽ phải cải cách thể chế, hiệu chỉnh các điều luật của quốc gia mình cho phù hợp định hướng của TPP.

Cuộc cải cách hành chính ở nước ta đã được Chính phủ thúc đẩy quyết liệt suốt 2 năm qua; những nỗ lực đề nghị minh bạch hóa, nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử; chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, vấn đề sở hữu trí tuệ, sản xuất xanh, sạch… đều là những vấn đề buộc phải hoàn tất trong quá trình thực thi TPP. Trên bình diện chung, TPP là một cuộc thử thách mới, và cả 12 thành viên đối tác đều phải chạy chung trong một sân chơi bằng phẳng, hỗ trợ nhau chơi theo đúng luật chơi, để hướng đến mục tiêu chung có lợi cho cả cộng đồng, là “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tạo nhiều việc làm mới, nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo” (trích từ bài phát biểu của Thủ tướng về TPP tại phiên họp Quốc hội ngày 20-10).

Nói theo các chuyên gia kinh tế, TPP là một phiên chợ lớn (chiếm 40% GDP của thế giới và 26% lượng giao dịch toàn cầu), tùy vào lợi thế và điều kiện của từng thành viên, sẽ hình thành người mua, bán, cung ứng phù hợp. Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ, có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản, nhưng chậm phát triển về trình độ công nghiệp, năng lực sản xuất. Do vậy, TPP sẽ mang lại cơ hội thu hút nguồn đầu tư lớn - một làn sóng đầu tư mới để chúng ta có cơ hội chọn lựa, sàng lọc, vừa tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân, vừa là cơ hội cải thiện năng lực sản xuất mới, hấp thu công nghệ tiên tiến của thế giới. Đứng giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt, TPP sẽ thúc đẩy mọi thành phần kinh tế giải nhanh hơn bài toán tăng cường nội lực, tự tái cấu trúc hướng đến sản xuất sản phẩm đạt chuẩn, tạo bước phát triển mới hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiểu một cách đơn giản hơn, nhờ hội nhập, các trang trại chăn nuôi gà ở Đồng Nai đã tự liên kết, hợp lực tính toán để giá thành gà thịt xuất chuồng gần ngang bằng giá gà nhập khẩu. Nhiều trang trại chăn nuôi heo đã tự nguyện đầu tư để xuất chuồng thịt heo sạch VietGAP, giờ đang tính chuyện giảm giá thành để cạnh tranh được với thịt heo nhập khẩu. Ở các tỉnh phía Bắc, nhiều chủ trang trại còn tính chuyện mở rộng nuôi gà đồi, heo rừng quy mô công nghiệp để cạnh tranh thịt ngoại trên sân nhà…

Đúng là câu chuyện TPP đang trở thành động lực chuyển động đến từng chủ trang trại, từng hộ nông dân, và như vậy, trên bàn ăn hàng ngày sau TPP, chắc hẳn các gia đình Việt sẽ không còn lo ngại chuyện ăn phải thịt siêu nạc hay cá tẩm hóa chất… Nhìn rộng hơn, với hàng loạt dự án FDI mới đang đổ vào ngành công nghiệp dệt may, điện tử, da giày…, chúng ta sẽ là công xưởng sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử hiện đại cung cấp cho phiên chợ TPP và thế giới. Tất nhiên, câu chuyện trở thành cứ địa hay đại công xưởng cho thị trường toàn cầu (như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ) - không phải là câu chuyện ai cũng tán thành. Nhưng hãy nhìn nhận từ chính thực lực, hãy bắt đầu là công xưởng hiện đại, học cách quản lý, học công nghệ mới, trước khi trở thành nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa có tên tuổi cho thị trường toàn cầu trong vài thập kỷ tới. Câu chuyện về TPP sẽ là sự đánh đổi, từ bỏ quyền bảo hộ, từ bỏ quan điểm bảo thủ, xin cho, đánh đổi nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả… vì sự phát triển của cả quốc gia, vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo. Nếu thành công trong TPP, Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn về kinh tế, giàu có hơn và nhờ đó trở nên độc lập hơn. Vậy thì, đừng lo ngại với TPP, chúng ta phải khởi động và… chạy thôi!

SONG ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục