Chậm tiến độ là một “điệp khúc” nghe đã quen tai trong lĩnh vực giao thông công chính, cái giá phải trả cho sự chậm trễ ấy lắm khi rất đắt, phải tính bằng tiền tỷ.
Công trình đường vành đai phía Đông vừa được khánh thành, thông xe ngay trước thềm lễ Quốc khánh năm ngoái là một ví dụ sinh động. Đường vành đai phía Đông, bắt đầu từ chân cầu Phú Mỹ chạy dài đến cầu Rạch Chiếc, đi qua địa bàn quận 2 và quận 9. Toàn tuyến dài 5,5km, rộng 67m với 7 cầu được xây mới, có chức năng rút ngắn quãng đường từ xa lộ Hà Nội đến cầu Phú Mỹ, phát huy tối đa hiệu suất của cây cầu này, đồng thời giúp việc vận chuyển lưu thông hàng hóa ra vào cảng Cát Lái thuận lợi. Trong buổi lễ thông xe, ông Nghiêm Sĩ Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PMC, cho biết dự án xây dựng đường vành đai phía Đông hoàn thành chậm tiến độ hơn 3 năm do vướng đền bù giải tỏa. Bởi dây dưa kéo dài, vốn đầu tư dự án đã tăng vọt so với tổng mức đầu tư ban đầu hồi năm 2008 khi đó ước tính chỉ khoảng 379,3 tỷ đồng! “Thủ phạm” làm đội giá dự án được điểm mặt là do vật liệu xây dựng tăng đột biến trong các năm 2008 và 2009.
Cũng có thể nhắc đến trường hợp công trình xây dựng cầu Nguyễn Văn Cừ. Cầu này có thiết kế dài hơn 1,1km, tải trọng H30. Ngay từ năm 2000, dự án đã được UBND TPHCM kêu gọi đầu tư nhưng do phải thay đổi thiết kế nhiều lần nên đến tháng 3-2005 mới thực sự đi vào giai đoạn thi công xây dựng. Lúc mới khởi công, theo kế hoạch ban đầu, công trình dự kiến hoàn tất vào đầu năm 2007. Tuy nhiên đến kỳ hạn “khóa sổ” thi công thì đơn vị chủ đầu tư là Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 liên tục xin gia hạn, với lý do “vướng mắc giải phóng mặt bằng”! Kỳ hạn mà chủ đầu tư xin gia hạn và đã được cấp thẩm quyền cho phép là ngày 31-12-2008 cũng không thể hoàn thành. Lý do không phải là “điệp khúc” vướng mắc đền bù giải tỏa nữa nhưng cũng nóng hổi tính thời sự không kém: Giá vật liệu leo thang. Rốt cục, từ khâu kêu gọi đầu tư hồi năm 2000 đến lúc khởi công vào tháng 3-2005, công trình đã đội giá từ 240 tỷ lên 371 tỷ đồng. Rồi sau vài lần gia hạn thi công, đến cuối năm 2007 thì giá thành cây cầu tiếp tục vọt lên thành 535 tỷ đồng, tính ra cao gấp đôi dự kiến ban đầu!
Cùng mắc “bệnh” tương tự là công trình xây dựng cầu Hoàng Hoa Thám. Cây cầu này chỉ dài 100m nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì giúp giải tỏa áp lực giao thông trên các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng… vốn dĩ luôn trong trạng thái triền miên quá tải và ùn tắc giao thông. Được phê duyệt đầu tư xây dựng từ tháng 4-1998, thế mà cho đến giữa năm 2008, tức hơn 10 năm sau công trình này chỉ mới xong được 3 trụ cầu nằm chơ vơ giữa lòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lúc đó nhìn cứ như một công trình hoang phế chứ không phải công trình đang trong thời gian thi công! Hệ quả là từ dự chi xây cầu được xác lập ban đầu vào khoảng 19 tỷ đồng, kinh phí đã đội lên thành 119 tỷ đồng! Nhìn dưới góc độ kinh tế, quả thực việc chậm trễ tiến độ hết sức “nặng ký”.
TRUNG KHANH