Ý thức và hành động trách nhiệm là nguồn năng lượng hun đúc tình yêu của mỗi người đối với cuộc sống và cộng đồng. Trách nhiệm, vì thế, là chiếc la bàn định hướng mối quan hệ giữa các cá thể trong một xã hội trật tự, văn hóa và văn minh.
Văn hóa, như được biết, là động lực giải phóng, hoàn thiện tinh thần con người; làm thăng hoa nghệ thuật và khoa học kỹ thuật; tôn vinh giá trị phức hợp của cả vật chất lẫn tinh thần của xã hội một cách bền vững. Và văn minh, như thường được đề cập, là phạm trù tiềm ẩn trong chính trị, tôn giáo, xã hội ở trình độ khai hóa; là hệ thống thiết chế và cơ chế phát triển cao trong kinh tế, pháp luật, xã hội… nhằm đảm bảo trật tự, ổn định đời sống cộng đồng. Đó còn là lý tưởng hướng đến tự do, công bằng. Như vậy, rất hiển nhiên, trách nhiệm là phạm trù gắn kết đồng thời với cả văn hóa lẫn văn minh.
Khi thiếu hụt hoặc vô trách nhiệm, rõ ràng là đồng nghĩa với hành vi tiêu hủy văn hóa và văn minh; gây phân rẽ, đổ vỡ trật tự xã hội. Ý thức và hành động trách nhiệm càng lớn, chứng tỏ trình độ văn hóa, văn minh càng cao.
Dân tộc ta là dân tộc có bề dày lịch sử trách nhiệm: từ ngàn xưa đã tận tâm, tận lực bảo vệ bờ cõi, giữ vững và phát triển văn hóa, văn minh nòi giống; thời cận và đương đại không tiếc máu xương để thống nhất giang sơn, đoàn kết xây dựng đất nước. Người Việt Nam vốn là con người có trách nhiệm: sẵn sàng chiến đấu, lao động cho đất nước trường tồn và phát triển, đậm đà tình nhân ái truyền thống…
Tuy nhiên, cuộc sống với xu thế hội nhập toàn cầu mới mẻ và đầy thách thức đã dẫn đến những biến động khôn lường, làm xói mòn một phần các giá trị sống truyền thống, ảnh hưởng xấu đến nhận thức và ý thức trách nhiệm của không ít người. Biểu hiện thiếu trách nhiệm diễn ra khá phổ biến. Từ việc nhỏ: xả rác nơi công cộng, rải đinh trên xa lộ, đến việc tày đình như giết người chỉ vì xung đột vụn vặt. Do thiếu trách nhiệm, người ta sa vào tham nhũng dưới nhiều chiêu bài và hình thức; lãng phí tài sản công; tắc trách trong điều trị bệnh, trong xử lý vụ án, trong nhiệm vụ thực thi các thủ tục hành chính, cả trong việc gây ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông… Các hiện tượng thoái hóa về trách nhiệm đang có xu hướng ngày một phổ biến, gây thiệt hại nặng nề, hạ thấp chất lượng sống của mỗi người cũng như của cả cộng đồng.
Song mừng thay, luôn còn đó những tấm gương đầy trách nhiệm của bao chiến sĩ ngày đêm canh giữ đất trời quê hương, của các tầng lớp lao động miệt mài làm ra của cải cho đất nước và của những đảng viên - cán bộ trung hiếu, tích cực cống hiến theo cương vị của mình, cũng như của những tấm lòng bình dị, cao cả sẵn sàng tình nguyện hiến máu, hy sinh vì nghĩa lớn…
Do sự đan xen giữa tích cực và tiêu cực nên cách thức thể hiện trách nhiệm trong đời sống xã hội chúng ta hiện nay cần cụ thể. Trước hết, cần tăng cường công tác giáo dục tuyên truyền ý thức công dân và tinh thần thượng tôn luật pháp đối với tất cả mọi người, tạo kênh phản biện và giám sát có uy lực, sắc bén nhằm không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, văn minh đối với cả bộ máy hành chính công quyền cũng như đối với từng tổ chức, từng cá nhân. Mọi người, trước hết là những người có trách nhiệm, đảng viên và cán bộ nhà nước cần thực thi nghiêm túc, trung thực và hiệu quả các nội dung về xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề ra và triển khai sâu rộng từ trên xuống dưới trong cả nước.
Trần Luân Kim