Xe dù, bến cóc không phải mới xuất hiện mà “tuổi đời” đã có gần 30 năm. Ấy vậy mà từng ấy thời gian vẫn chưa đủ để ngành chức năng tìm ra giải pháp xử lý vấn nạn này. Hầu như bất cứ khi nào báo chí phỏng vấn tại sao không xử lý được vấn nạn này, ngành chức năng đều viện dẫn những khó khăn liên quan đến các quy định của ngành.
Nào là, khó phân biệt giữa 2 loại hình kinh doanh vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định và xe hợp đồng du lịch. Xe vận chuyển hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định phải vào bến xe do Nhà nước quy định để đón và trả khách (ở TPHCM là các bến xe miền Đông, miền Tây, Ngã tư Ga…), trong khi đó xe hợp đồng du lịch được đón trả khách tại vị trí mà nhà xe và hành khách thỏa thuận. Được đón, trả khách ở nơi mà 2 bên thỏa thuận, nhất là khi nơi đó trong nội thành, rõ ràng hấp dẫn hành khách hơn. Chính vì có sự chênh lệch lớn về lợi thế phục vụ hành khách như vậy nên nhiều đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định đã giả làm xe hợp đồng để được đưa xe vào sâu nội thành đón khách. Trong khi đó, thể hiện ra bên ngoài, cơ bản hai loại hình vận tải này chỉ khác nhau ở tấm vé và bản hợp đồng, thậm chí chỉ là hợp đồng miệng khi giao dịch với hành khách. Hành khách đi xe khách liên tỉnh theo tuyến cố định ở bến xe thì mua vé và…lên xe đi. Hành khách thuê xe hợp đồng thì làm hợp đồng với nhà xe. Các đơn vị vận tải có thể thay thế tấm vé của loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định bằng các hợp đồng với hành khách để đối phó với ngành chức năng. Ngành chức năng cho rằng, trong các tình huống như vậy, họ rất khó xử lý.
Khách quan, để phát hiện ra những chiêu trò này của các đơn vị vận tải, ngành chức năng phải “nhanh tay lẹ mắt, mật phục để bắt quả tang”. Thế nhưng, chẳng phải quy định về các loại hình vận tải do chính ngành vận tải đề ra? Biết rõ những bất cập và việc tháo gỡ các bất cập đó, hoàn toàn nằm trong tay ngành giao thông. Vậy, điều gì đã khiến ngành chức năng cứ mãi gặp khó trong chính các quy định mà mình xây dựng?
Chưa hết, đối với các địa phương, xe dù, bến cóc không “nhỏ như những cây kim”, đã vậy còn hay hoạt động ồn ào, ầm ĩ bởi đi theo đó là xe taxi, xe “ôm” chuyên chở hành khách tới. Đã vậy, luôn có nhiều gánh hàng rong bao quanh xe để sẵng sàng phục vụ hành khách có nhu cầu. Tại sao chính quyền các địa phương không nhận thấy xe dù, bến cóc đang hoạt động trên địa bàn của mình? Việc xác định các bến xe đó có hoạt động hợp pháp không, cũng không khó. Chỉ cần dò bản đồ quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TPHCM và nhiều đồ án quy hoạch phát triển đô thị khác là có thể xác định được …
Tất nhiên, được đưa đón ngay trong nội thành tiện lợi hơn rất nhiều so với phải đi xe ra các bến xe rồi mới lên xe đi liên tỉnh. Thế nhưng, như một chuyên gia lâu năm trong ngành vận tải cho biết, không phải ngẫu nhiên trong hoạt động vận tải lại chia ra thành những loại hình vận chuyển khác nhau. Tất cả đều có mục đích. Xe hợp đồng du lịch thường đưa, đón khách không cố định ở một điểm, ít ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông và trật tự an ninh xã hội nên được phép đưa đón khách theo thỏa thuận giữa 2 bên. Ở ngoại thành hay sâu trong nội thành đều được (trừ khi nơi đó cấm hoặc hạn chế xe lưu thông). Hoạt động vận tải hành khách trên tuyến cố định khác hẳn. Loại phương tiện này phục vụ thường xuyên cho một đối tượng hành khách đông đảo nên buộc phải đưa đón khách trong các bến bãi do Nhà nước quy định. Các bến này thường nằm xa trung tâm để không ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông và an ninh trật tự trong khu vực nội đô.
Tình, lý đều đã rõ ràng như vậy. Tại sao xe dù, bến cóc vẫn tồn tại? Câu trả lời xin nhường cho ngành chức năng bởi hơn ai hết họ là người ra các quy định gây bất cập này và họ cũng là người hiểu hơn ai hết tại sao phải phân loại các loại hình vận tải. Chính họ, là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng bến cóc xe dù tồn tại dai dẳng như hiện nay.
TÂM ĐỨC