Trách nhiệm trước dân về những vấn đề xã hội bức xúc

Trách nhiệm trước dân về những vấn đề xã hội bức xúc

Ngày 4-10, Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 gồm các đại biểu: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Đại tá Ngô Tuấn Nghĩa, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, đã có cuộc tiếp xúc với hơn 300 đại diện cử tri của các quận 1, 3 và 4. Tại cuộc tiếp xúc, đại diện cử tri đặt ra nhiều vấn đề mà người dân hiện nay đang quan tâm, bức xúc như: tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, việc nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, chất lượng các dự án luật được thông qua…

Quản lý, sử dụng nợ công có mặt chưa hiệu quả

Trả lời câu hỏi của đại diện cử tri quận 4 về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, trong 9 tháng năm 2016 bên cạnh những kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực, đất nước còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mà chúng ta không lường hết được. Thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, mưa lũ, môi trường… đã tác động tiêu cực nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương, trong đó có TPHCM.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Về nợ công mà cử tri Trần Đăng Trâm (quận 1) nêu ra, theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang là vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Trong những năm qua, nợ công tăng nhanh từ 51,7% GDP (năm 2010) lên 60,3 % GDP (năm 2014) và 62,2% GDP (năm 2015), đến năm 2016 nợ công có nguy cơ vượt trần. Theo báo cáo của Chính phủ, nợ công của Việt Nam tăng cao, áp lực trả nợ lớn, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng 8,4% ngân sách Nhà nước, nếu tính cả nợ gốc bằng 26%. Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,8 lần giai đoạn 2006 - 2010 và dự báo trong những năm tới chi trả nợ sẽ tăng cao. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế thì Việt Nam không nằm trong nhóm các nước có biến động về nợ công cao. Thế nhưng, chúng ta cũng nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá việc quản lý và sử dụng nợ công còn có những mặt chưa thực sự hiệu quả.

Để quản lý, sử dụng an toàn, hiệu quả nợ công từ nay đến năm 2020, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng cần phải tính toán khả năng trả nợ từ nguồn thu ngân sách, mức độ bội thu, bội chi hàng năm, nợ công với GDP, chất lượng, rủi ro nợ công, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển… Hay vấn đề rủi ro nợ công của chúng ta phụ thuộc vào một số yếu tố chính như tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát, lạm phát, thâm hụt, dự trữ ngoại hối quốc gia… cũng cần được kiểm soát thật tốt.

Tham nhũng là giặc nội xâm

Trước ý kiến của cử tri quận 4 về tình trạng tham nhũng, lãng phí hiện nay đang gây nhức nhối cho xã hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Đảng, Nhà nước nhiều năm qua luôn đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh với tệ tham nhũng, lãng phí, coi tham nhũng là quốc nạn, đã chỉ đạo kiên trì, kiên quyết đấu tranh với tham nhũng và bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Hàng trăm vụ án kinh tế, tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án lớn được cho là đại án, đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật. Tuy nhiên, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế. “Các đối tượng tham nhũng lấy tiền của Nhà nước tiêu xài bừa bãi, bây giờ thu hồi cũng có những khó khăn nhất định. Nhưng Đảng, Nhà nước luôn kiên quyết ngoài việc xử lý nghiêm minh theo pháp luật còn tìm cách thu hồi. Đảng, Nhà nước kêu gọi toàn dân, MTTQ và các tổ chức đoàn thể phát động rộng rãi tham gia vào phát hiện, tố giác tham nhũng để loại giặc nội xâm này không còn đất sống…”.

Về vụ Trịnh Xuân Thanh mà các cử tri nêu ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố nhiều bị can và truy nã trong nước, quốc tế. Các cơ quan có trách nhiệm đã vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù có lẩn trốn đi đâu, sớm muộn gì Trịnh Xuân Thanh cũng bị bắt giữ, đưa ra truy tố trước pháp luật.

MINH ĐỨC

Tin cùng chuyên mục