Trách nhiệm trước những bất ổn

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020” với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020” với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện.

Đề án nêu rõ, tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng giáo dục, thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của các cấp học, trình độ đào tạo và kiểm định các chương trình giáo dục nghề nghiệp, ĐH.

Như vậy có thể thấy, từ nay đến năm 2020, Chính phủ sẽ tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục, thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đây cũng là yêu cầu bức thiết của xã hội được đặt ra từ lâu nay mà ngành giáo dục chưa làm được. Đáng chú hơn, chiến lược giáo dục ra đời cùng thời điểm Quốc hội thông qua dự án Luật Giáo dục đại học, trong đó có việc thực hiện lộ trình giao quyền tự chủ cho các trường ĐH và ngành giáo dục sẽ thực hiện việc thanh tra, giám sát, hậu kiểm mạnh mẽ hơn trước để “tuýt còi các sai phạm”.

Những văn kiện này là hết sức quan trọng đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong nhiều năm tới. Nhưng rõ ràng, cùng với hy vọng về một sự chuyển biến tích cực của giáo dục Việt Nam khi có thêm các hành lang pháp lý, có thêm “đường ray” đúng đắn để phát triển thì xã hội vẫn chưa thể yên tâm với những bất ổn trong giáo dục cũng đang diễn ra đồng thời.

Từ trước đến nay, có thể nói ngành giáo dục chưa bao giờ “lặng sóng”. Luôn luôn có những tồn tại, những gam màu xám được dư luận xã hội quan tâm. Ngoài khía cạnh đây là lĩnh vực cực kỳ thiết thân, liên quan đến hàng chục triệu người dân thì bản thân nội tại ngành giáo dục luôn có những bất ổn, những vấn đề mà cả xã hội lo lắng. Những lo lắng đó đến ngay chính từ những cán bộ quản lý của ngành giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học có tâm huyết. Tại thời điểm này, thực tế là xã hội đang “nóng” với tuyển sinh đầu cấp, về kết quả tốt nghiệp THPT đẹp như mơ nhưng thiếu thuyết phục, về hàng loạt những sai phạm trong liên kết đào tạo của nhiều trường mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý.

Về kết quả thi tốt nghiệp năm 2012, hôm qua Bộ GD-ĐT công bố tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của cả nước là 97,63% - một con số không xa lắm với tỷ lệ đậu 100%. Đây là kết quả không hoàn toàn bất ngờ, đã được dự báo trước, ngay cả khi lộ ra sự cố gian lận thi cử nghiêm trọng tại Trường Đồi Ngô (Bắc Giang). Một kỳ thi được đánh giá là “dễ” ở nhiều khâu: đề dễ, thanh tra cũng “dễ tính”, giám thị dễ dàng để cho thí sinh quay cóp… Vì vậy, mặc dù Bộ GD-ĐT ra sức thanh minh đó là kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, sự cố Đồi Ngô chỉ là cá biệt… thì xã hội vẫn không thể thấy thuyết phục với kết quả đẹp đẽ này. Thêm một lần nữa, xã hội lại hoài nghi về chất lượng thi tốt nghiệp phổ thông và đặt ra đòi hỏi bức bách về khâu đổi mới thi cử, giám sát chất lượng giáo dục của bộ chủ quản.

Trong khi đó, kết luận về liên kết đào tạo do Thanh tra Chính phủ chỉ ra cho thấy nhiều trường đại học đã được giao quyền tự chủ gần như tối đa trong mọi hoạt động, Bộ GD-ĐT chỉ có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước chứ không phải với tư cách một cơ quan chủ quản. Chính bởi thế, xã hội không khỏi thấy lo lắng về sự tự chủ đi liền với tự chịu trách nhiệm của các trường này. Một khi họ được tự chủ nhưng lại không nêu cao trách nhiệm xã hội, cộng với sự thiếu giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước thì hậu quả sẽ đi tới đâu? Và chẳng phải ai hết, chính người học bị chịu thiệt thòi nhiều nhất; còn xã hội thì cứ mãi mất lòng tin về nền giáo dục nước nhà.

Vì lẽ đó, những bất ổn này đòi hỏi phải giải quyết sớm, quyết liệt và có cam kết cụ thể. Ngành giáo dục không thể mãi né tránh những bức xúc của đông đảo người dân. Những biện pháp giám sát để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục cần được thực hiện một cách đồng bộ hơn nữa, kiên quyết hơn nữa để mang lại lòng tin cho xã hội. Có thể phân cấp cho địa phương nhưng không thể bỏ lơ kiểm tra, thanh tra, giám sát trong kỳ thi tốt nghiệp. Có thể giao quyền tự chủ nhưng không thể quên hậu kiểm chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các sai phạm của cơ sở đào tạo đại học. Đó là điều mà xã hội đang yêu cầu ngành giáo dục phải làm bằng được trong thời gian tới. 

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục