Những ngày tháng 7 này, khắp nơi trên cả nước, đã có nhiều những hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo các gia đình chính sách, người có công, thể hiện trách nhiệm và đạo lý văn hóa Việt Nam. Ở địa bàn TPHCM, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, nhất là ở các phường - xã, tùy theo mức độ khác nhau, đều tổ chức gặp mặt, giao lưu, thăm viếng các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình tiêu biểu cùng các hoạt động thiết thực của các chiến sĩ Mùa hè xanh.
67 năm qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh về chính sách thương binh, liệt sĩ, các hoạt động tri ân ngày càng lan tỏa, sâu rộng và trở thành thường xuyên của Đảng, nhà nước và nhân dân.
Một đất nước trải qua những cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc kiên cường như Việt Nam, đã phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. Biết bao những gia đình đã dâng hiến cho Tổ quốc những người con yêu quý nhất. Biết bao những con người ưu tú ra trận, không về và chưa từng được nếm trải cuộc sống hòa bình.
Trong sự cố gắng chung, trong điều kiện cho phép, các chính sách đối với người có công luôn được xem xét, nâng lên. Cả nước hiện có 8,8 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Các cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công được nhà nước và xã hội đầu tư nâng cấp, mở rộng. Việc quy tập hài cốt, xây dựng tu bổ nghĩa trang luôn được quan tâm. Chính sách ưu đãi về giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho con em người có công… luôn được chú trọng.
Giờ đây, chiến tranh như chưa lùi xa, những hậu quả nặng nề còn tiếp tục khắc phục; những ngôi mộ không tên trên hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc và hàng chục vạn liệt sĩ hy sinh trên khắp các chiến trường còn đang phải tìm kiếm. Còn nhiều những việc làm để bù đắp phần nào những mất mát, hy sinh to lớn của các gia đình nhất là những gia đình có công ở vùng sâu, vùng xa, ở biên giới, hải đảo, ở những nơi còn nhiều khó khăn… Mọi sự chăm lo nhằm góp phần làm cho những người có công yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội. Và trong thực tế, đã có rất nhiều những gia đình có công tiếp tục cống hiến, nêu gương sáng trên các lĩnh vực, không ỷ lại, không đòi hỏi thiệt hơn.
Những ngày vừa qua, hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, bất chấp hiểm nguy, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đã làm người dân cả nước xúc động. Các hoạt động hướng về biển đảo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, ngư dân như dấy lên phong trào yêu nước, như một sự nhắc nhở, thôi thúc những hành động, những việc làm thể hiện sự chung sức, chung lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ trong sâu thẳm, mỗi người chúng ta đều thấm thía hơn cái giá của hòa bình. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là cao cả, là lớn hơn tất cả. Đó là sự xả thân của hàng triệu con người cho Tổ quốc. Đền Bến Dược Củ Chi đã ghi hơn 44.500 tên liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định anh hùng. Sự phát triển đi lên của TPHCM hôm nay là sự tiếp nối mạch nguồn nhân nghĩa, kiên trung ấy. Sống thế nào đây để xứng đáng hơn, học tập và làm việc tốt hơn cho đất nước trường tồn và phát triển, cho thành phố mãi xứng danh anh hùng cũng là thể hiện lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của những người đang sống.
PHẠM PHƯƠNG THẢO