Trách nhiệm và sẻ chia

Mỗi khi nói đến chuyện đào đường, không chỉ người dân TPHCM cảm thấy mệt mỏi mà ngay cả ngành chức năng cũng… căng thẳng. Lý do để người dân mệt mỏi, chắc không phải nói, mọi người đều biết.
Còn ngành chức năng? “Chúng tôi cũng chẳng muốn cho các nhà thầu đào đường. Nhưng không cho không được bởi nếu không đào đường thì làm sao xây, sửa hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cấp nước, thoát nước, điện, viễn thông…?” - một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TPHCM nói như vậy trong lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo SGGP cách đây chưa lâu.

Không hẳn chúng tôi đã hoàn toàn đồng ý với cách lý giải của ngành chức năng bởi chức trách của họ là đảm bảo an toàn giao thông, cung ứng tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho người dân và họ phải tìm mọi cách để thực hiện nhiệm vụ này một cách tốt nhất.

Thế nhưng, cũng phải khách quan. Sắp tới TPHCM đào đường để làm gì? Đào đường để cải tạo hệ thống cống vòm thoát nước vốn được xây dựng từ thời Pháp, nay đã xuống cấp trầm trọng.

Theo đó, tuyến cống vòm hiện hữu dưới đường Pasteur sẽ được thay thế bằng tuyến cống tròn kích cỡ từ 1.000 - 1.800mm. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng và được thực hiện từ nay đến năm 2017. Tuyến cống vòm dưới đường Đồng Khởi có chiều dài khoảng 1km sẽ được thay thế bằng tuyến cống tròn mới có kích cỡ 1.200  - 1.800mm. Đồng thời để chống ngập, 19 tuyến đường tại khu vực quận 5, 6 và 11 sắp tới cũng phải đào trong một phạm vi khoảng 10km để cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực Hàng Bàng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn 2. Thời gian thi công kéo dài đến năm 2017.

Trong chức trách của mình, rõ ràng Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành chức năng khác không thể từ chối đơn xin đào đường của các nhà thầu trong những trường hợp nêu trên. Về mặt này, người dân cần có sự đồng cảm với ngành chức năng bởi hệ thống cống thoát nước đã xuống cấp, nếu không được thay thế, sẽ ngập ngày càng nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Tất nhiên, cũng có những cách giải quyết khác như hạn chế thu hút dân vào khu vực nội đô, xây dựng đô thị vệ tinh, không tập trung quá nhiều trong nội thành để giảm tải cho hệ thống hạ tầng đang xuống cấp… Tuy nhiên, đó là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, chống ngập cấp bách là chuyện phải làm ngay. Mà chống ngập, nạo vét kênh, làm bờ bao, nâng cấp hệ thống thoát nước, cầu cống… đều phải dính đến chuyện đào đường! Vấn đề là triển khai ồ ạt, đồng loạt đào đường, khắp nơi là công trình, thì lại kéo theo nỗi lo: đường sá đã ùn tắc sẽ càng ùn tắc…

Làm cách nào để giảm thiểu nạn ùn tắc trong suốt 3 năm thi công công trình chống ngập? Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sở sẽ trực tiếp làm việc với chủ đầu tư các công trình có hạng mục đào đường để thẩm định cũng như kiểm tra kế hoạch đào đường của các đơn vị này. Nguyên tắc cơ bản là tránh tập trung thi công vào một khu vực mà phải rải đều, thi công cuốn chiếu để hạn chế đến mức tối đa, ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại của người dân. Lực lượng thanh tra giao thông sẽ liên tục tuần tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình đào đường. Đặc biệt, trong trường hợp đang đào đường, đơn vị thi công bất ngờ gặp sự cố như làm bể hệ thống hạ tầng ngầm khác: ống cấp nước, cấp điện… hoặc đụng vào một hệ thống hạ tầng mà không có trong hồ sơ thi công, sở sẽ nhanh chóng phối hợp với nhà thầu, một mặt tạm thu hẹp diện tích đào đường cho người dân đi lại thuận lợi, mặt khác họp ngay với các cơ quan liên quan nhằm tìm nhanh hướng giải quyết.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ kiểm soát việc đào đường như thế nào? Câu trả lời còn phải chờ tình hình thực tế sắp tới. Thế nhưng, nếu đào đường đã là việc bắt buộc phải làm nhằm cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập cho thành phố thì điều người dân mong muốn: công việc phải được tiến hành nhanh gọn, công trình được thi công đảm bảo chất lượng và quá trình thi công phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Người dân chia sẻ khó khăn với ngành chức năng thì ngành chức năng phải có trách nhiệm làm tốt công việc của mình. Mọi sai phạm phải được xử lý nghiêm. Trong quá trình thi công, đơn vị thi công làm ảnh hưởng tới người dân phải bồi thường cho người dân. Ngành chức năng nên ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu để buộc họ làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm.

HOÀNG YẾN

Tin cùng chuyên mục