Trách nhiệm với sự thật

Trong 3 ngày qua, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm theo dõi phiên chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội về những vấn đề rất bức xúc đang đặt ra trong đời sống. Cũng như cử tri cả nước, bên cạnh việc đồng tình với các vấn đề, ý kiến chất vấn của đại biểu, không ít cử tri TPHCM phần nào chưa yên tâm phần trả lời của các bộ trưởng. Đó là những câu trả lời chưa giải đáp được đầy đủ những vướng mắc đang nóng bỏng, bức xúc và nhức nhối hiện nay của nhân dân.

Người dân luôn chia sẻ với khó khăn chung của kinh tế đất nước, vì vậy nên rất kỳ vọng vào việc đánh giá đúng thực chất tình hình để cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng tìm giải pháp. Có người cho rằng khi cho vay, ngân hàng là người chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm tra dự án. Việc thế chấp bằng bất động sản cũng do ngân hàng thẩm định, đánh giá. Nợ xấu là do phía ngân hàng, không thể đổ lỗi cho các đơn vị khác.

Khi nghe lãnh đạo ngành xây dựng nói “sự cố chủ yếu ở công trình dân tự xây”, nhiều người cho là không thỏa đáng. Chẳng lẽ công trình do dân tự xây bằng tiền của mình mà dám xây ẩu, bớt vật liệu rồi bỏ mặc mạng sống của gia đình mình? Trong khi đó, còn nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận, gây hoang mang cho người dân cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức. Đó là những vụ cháy xe bí ẩn không rõ nguyên nhân vì xăng hay vì điện, “chất lạ” trong áo ngực phụ nữ không hiểu là chất gì? Riêng vụ Thủy điện Sông Tranh 2, các nhà khoa học vẫn còn có ý kiến khác nhau, đến khi đưa ra Quốc hội chất vấn, câu trả lời của lãnh đạo ngành vẫn không hóa giải được nỗi lo của dân.

Chất vấn là chức năng quan trọng của Quốc hội, là hình thức giám sát trực tiếp, toàn diện, có sức mạnh tổng hợp, có tác động mạnh mẽ nhiều chiều. Đây cũng là cách thể hiện cụ thể, trực tiếp và sinh động của quyền lực nhân dân, có sức lan tỏa nhanh chóng, có tính thời sự và sự cộng hưởng mạnh mẽ của dư luận xã hội. Thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội có nhiều cải tiến theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri, làm sáng tỏ tình hình, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan và cá nhân. Vậy trách nhiệm của người bị chất vấn là trách nhiệm gì? Yêu cầu của chất vấn và trả lời chất vấn giới hạn đến đâu? Nguyên tắc chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể ra sao? Những vấn đề như: chủ thể chất vấn, nội dung chất vấn, phương pháp chất vấn, trả lời chất vấn, quyền hạn của người chất vấn và người trả lời chất vấn, trách nhiệm lãnh đạo chất vấn và trả lời chất vấn... là những điều mà cử tri TPHCM mong muốn Quốc hội tiếp tục nghiên cứu theo hướng ngày càng hiệu quả hơn.

Mục đích sâu xa của chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội cũng là để dân hiểu rõ sự thật, đúng với bản chất, từ đó dân cảm thông, cùng chia sẻ, cùng hiến kế, cùng gánh vác nhiệm vụ với Nhà nước. Khi dân hiểu được như thế, tình hình dù có khó khăn hơn thì “dân liệu cũng xong”. 

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục