Trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội tuần qua cho thấy đất nước ta đang trải qua không ít khó khăn ngay trong chặng mở đầu của thời kỳ hội nhập khu vực. Đó là nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, xử lý nợ xấu chưa thực chất, nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp… Bản thân Thủ tướng sẽ làm gương không mua ô tô mới, yêu cầu các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ này phải đi đầu trong chống tham nhũng, lãng phí. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”. 

Thông điệp này được đưa ra vào thời điểm thâm hụt ngân sách tiếp tục diễn biến không tốt. 6 tháng đầu năm 2016, ngân sách tiếp tục thu không đủ chi, mức thâm hụt lên đến 82,9 ngàn tỷ đồng. Phần bù đắp thiếu hụt này sẽ được giải quyết từ nguồn vốn đi vay, dự kiến năm nay, Chính phủ đã có kế hoạch vay 452 ngàn tỷ đồng, và tương ứng, vay nhiều phải trả nhiều, dự kiến mức trả nợ vay của chúng ta năm nay tăng lên 273 ngàn tỷ đồng.

Bình luận về những diễn biến này, các chuyên gia kinh tế không giấu sự lo ngại trước cơ chế thu chi ngân sách của Việt Nam hiện nay. Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công đã có hiệu lực, nhưng Hiến pháp quy định cơ chế phân chia, phân cấp thẩm quyền chi ngân sách, đặc biệt là việc giám sát thu chi ngân sách tại từng địa phương, từng bộ ngành, các tổ chức đoàn thể hiện nay chưa thay đổi.

Có lẽ ai cũng xót xa khi báo chí lên tiếng về hàng loạt chợ được đầu tư xây dựng ồ ạt ở các xã miền Trung, rồi bỏ hoang hóa cho bò gặm cỏ vì không người vào mua bán. Một tỉnh khác xây quảng trường 12 tỷ đồng, “xài” được 10 năm, giờ đập bỏ để xây quảng trường mới. Một bảo tàng 2.300 tỷ đồng giờ vắng như chùa Bà Đanh… Đó là chưa kể hàng loạt nhà làm việc của UBND cấp quận, huyện nhưng được xây dựng quy mô cả trăm tỷ, chỉ vài năm sử dụng đã sụt, lún, ngân sách lại chi thêm tiền để sửa chữa… Lãng phí trong đầu tư xây dựng công đang góp phần làm cạn kiệt ngân sách. Dư luận vẫn đang thắc mắc về một dự án quy mô ngay giữa thủ đô: tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong khi mức trung bình làm 1km tàu điện của thế giới chỉ là 20-30 triệu USD thì đối với tuyến đường hiện đại này lên tới 70 triệu USD. Dự án chậm tiến độ tới 2 năm, mức “đội vốn” lên thêm 339 triệu USD...   

Chúng ta thường nói nhiều về kỷ luật ngân sách, trách nhiệm người đứng đầu, nhưng bài học chạy đua xây dựng nông thôn mới đang để nợ hàng ngàn tỷ đồng tại nhiều địa phương thời gian qua là do đâu? Trong luật đã ghi rất cụ thể, người ra quyết định đầu tư phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình nếu như dự án đó không phát huy hiệu quả, thậm chí là phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự nếu để xảy ra thất thoát nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Khái niệm này dễ được hiểu là nếu công trình lãng phí ấy không phát sinh trách nhiệm hình sự, thì cấp quản lý chỉ chịu trách nhiệm chung chung, rút kinh nghiệm tập thể.

Rà soát hàng loạt những công trình đầu tư từ vốn ngân sách không hiệu quả, có thể thấy các dự án này đều có sự nhất trí của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, thành, được ghi vốn trong kế hoạch đầu tư phát triển của địa phương. Từ đó, cho thấy cơ chế hay bộ máy giám sát đầu tư công của chúng ta tại các địa phương quản trị chưa hiệu quả. Việc giám sát phân bổ ngân sách của UBND các tỉnh thành, trên lý thuyết là do HĐND cấp tỉnh, thành quyết định, nhưng vì sao bộ máy quản lý đông đúc như vậy vẫn để lại quá nhiều lãng phí, sai sót?

Tạm bỏ qua nguyên nhân tư duy nhiệm kỳ, chủ nghĩa thành tích, có lẽ trong bối cảnh điều hành ngân sách căng thẳng hiện nay, chúng ta cần bổ sung ngay những cơ chế giám sát hiệu quả hơn. Tại các nước phát triển, Chính phủ chi một khoản không nhỏ cho khâu kiểm toán độc lập việc thu chi ngân sách hàng năm tại từng quận, huyện đến cấp tỉnh, thành. Việc quản lý nguồn vốn, dự án đầu tư cần thực hiện theo nguyên tắc, tập trung đầu tư để xử lý những nút thắt tăng trưởng, hay tạo bùng nổ tăng trưởng ở điểm nào đó để tạo ra lan tỏa, thay vì cấp vốn theo kiểu phân chia đồng đều để khỏi mất lòng ai như hiện nay.

“Cần có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”, thông điệp của Thủ tướng cho thấy Chính phủ nhiệm kỳ mới đang nỗ lực cho sự minh bạch trong quản trị ngân sách. Song bên cạnh sự kêu gọi tinh thần trách nhiệm với nhân dân, trong bối cảnh nợ công tăng cao, thâm hụt ngân sách, Chính phủ cần kiên quyết hơn trong hành động. Sẽ không thể chấm dứt lãng phí, tư tưởng thành tích nếu không có người đứng đầu nào phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật cho những quyết định không vì lợi ích chung.

SONG ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục