
Trái cây ngoại nhập vào Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại, nguồn gốc từ các nước như Trung Quốc,Thái Lan, Mỹ, Nhật… Giá trái cây ngoại thường cao “ngất ngưởng” nhưng người tiêu dùng vẫn thích mua. Trong khi đó giá trái cây nội rất thấp nhưng vẫn ế. Vì sao trái cây ngoại có sức“hút” như vậy và việc sử dụng trái cây ngoại liệu có an toàn?
Trái cây nội “ khóc”, trái cây ngoại “lên ngôi”

Trái cây ngoại “lên” kệ
Cách đây khoảng một tháng, măng cụt Thái ngập thị trường phía Nam, giá rẻ hơn măng cụt nội từ 3.000-4.000đ/kg, khiến nhiều nhà vườn đã phải điêu đứng. Hiện nay vải, chôm chôm đã vào cuối vụ nhưng giá chôm chôm tại vườn vẫn chỉ có 800đ/kg; giá vải khoảng 3.000đ/kg. Một chủ vườn chôm chôm ở Hưng Long (Đồng Nai) có hơn một hécta chôm chôm nhưng để trái rụng đầy gốc, không hái bán với lý do “bán tại vườn với giá 800đ/kg, không đủ trả tiền thuê người hái”. Nhiều loại trái cây khác cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Anh T.N, một tiểu thương chợ Tân Định (quận 3) chuyên bán trái cây nội cho chúng tôi biết: “Nhiều loại trái cây nội như đào, quýt… có vị ngon, mùi thơm hơn nhưng lại không ngọt bằng trái cây ngoại”. Sạp của anh T.N chỉ lác đác người mua trong khi đó sạp trái cây ngoại bên cạnh lại tấp nập. Chủ sạp tươi cười mời chúng tôi mua hàng, hỏi chuyện, chị cho biết: “Tôi lấy trái cây ở chợ đầu mối Thủ Đức, mỗi lần gần 20 thùng (mỗi thùng 17-20kg). Nhiều người hiện nay thích ăn trái cây ngoại, nhất là các loại táo đỏ của Trung Quốc, Mỹ, New Zealand…”.
Tại chợ Bến Thành (quận 1) có hơn chục cửa hàng trái cây, cửa hàng nào cũng đầy ắp trái cây ngoại. Có trên 20 loại trái cây ngoại được bày bán: táo, lê, nho, cam, quýt, xoài, sầu riêng… Riêng nho đã có 4 loại: nho đỏ Mỹ không hạt, nho đỏ Trung Quốc, nho đỏ Nam Phi, nho xanh Nam Mỹ. Chị N.V đang lựa nho Nam Phi cho hay: “Nho Nam Phi đẹp, trái to đều. Giá có mắc hơn nho Việt Nam nhưng tôi vẫn mua. Hơn nữa tôi nghĩ hàng qua cửa khẩu chắc đã được kiểm dịch gắt gao… nên rất yên tâm”(?).
Một điểm đáng chú ý: trong khi trái cây nội được xếp ngay phía ngoài thì trái cây ngoại được để bên trên kệ, có ướp lạnh. Vào một số siêu thị trên địa bàn TPHCM, trái cây nội bị “xem thường”, không được ướp lạnh, có khi bị vứt lay lất. Thắc mắc, một nhân viên của siêu thị cho rằng: “Trái cây nội giá rẻ, hư thì bỏ, cần gì phải bảo quản kỹ lưỡng như trái cây ngoại”. Trái cây nội “khóc”, trái cây ngoại “lên ngôi” một phần cũng vì lẽ đó.
Ngon, rẻ nhưng đầy hóa chất?
Tìm hiểu về trái cây ngoại, đặc biệt là những thùng táo, lê… bên ngoài trông rất đẹp mắt, nhưng khi mở ra nhiều quả đã khô, héo, tép không nước hoặc thối rữa.
Tại buổi tổng kết “Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2006”, các báo cáo cho thấy rằng: tỷ lệ mẫu táo, lê của Trung Quốc tìm thấy dư lượng hóa chất bảo quản carbendazim là 45,8%, chưa kể trong khi lấy 24 mẫu táo của Trung Quốc kiểm nghiệm thì thấy có đến 75% số mẫu này có dư thuốc bảo vệ thực vật. Khi kiểm tra nhanh các loại táo, lê, cam của Trung Quốc có gốc lân và carbamat nhưng khi đem về thì không xác định được đó là chất gì, dư lượng bao nhiêu và tác hại đến sức khỏe của con người như thế nào.
BS.Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế), cho biết: “Bộ Y tế cũng đã đi khắp cả nước, tìm, phân tích các mẫu trái cây nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra được loại hóa chất bảo quản đó là chất gì.”.
Giá một số trái cây ngoại trên thị trường hiện nay: Măng cụt Thái 27.000-30.000đ/kg (măng cụt Việt Nam 18.000-19.000đ/kg); đào Bắc Kinh 50.000đ/kg (đào Việt Nam chỉ 18.000-20.000đ/kg); nho đỏ Mỹ không hạt 90.000đ/kg; nho đỏ Trung Quốc 55.000đ/kg; nho đỏ Nam Phi 90.000đ/kg (nho Việt Nam: 20.000đ/kg); quýt Ấn Độ 35.000đ/kg (quýt Thái 16.000đ/kg; quýt kiểng Hà Nội 14.000đ/kg); ổi Đài Loan 15.000đ/kg( ổi Việt Nam 7.000đ/kg); bòn bon Thái 40.000đ/kg; táo Trung Quốc 14.000đ/kg, táo Fuji 23.000đ/kg, táo Mỹ đỏ 38.000đ/kg; táo Mỹ xanh 39.000đ/kg; mận Thái 12.000đ/kg; mận Mỹ 86.000đ/kg. |
Nhiều người “nghi ngờ” trong trái cây ngoại nhập có chất bảo quản nhưng vẫn sử dụng. Chị V.D, tiểu thương chợ Bà Chiểu, nói: “Chị bán cả trái cây ngoại lẫn nội nhưng cả gia đình chị chỉ ăn trái cây nội.
Anh N.Tr đang chọn cam, nói: “Nhà tôi cũng dùng trái cây nội nhưng bữa nay mua cam đi biếu. Thấy cam Trung Quốc đẹp mã nên mua biếu cho sang”.
Theo lời khuyên của BS.Nguyễn Xuân Mai: “Khi cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên có ý thức tự bảo vệ mình, mua những trái cây có nguồn gốc rõ ràng, trái cây phải được kiểm dịch. Khi dùng thấy bên trong bị khô, giập, thối… thì không nên sử dụng”.
Mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận chính thức về hóa chất bảo quản trái cây ngoại để góp phần định hướng cho người tiêu dùng khi chọn mua trái cây, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Nguyễn Hoàn