TPHCM vừa phong tặng và truy tặng hơn 1.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Những bà mẹ còn sống đều đã tuổi cao sức yếu nhưng trái tim vẫn nồng nàn tình yêu quê hương đất nước.
1. Chúng tôi tìm đến thăm Mẹ VNAH Phan Thị Diệm ở số 31 đường Phan Sào Nam, phường 11, quận Tân Bình. Quê mẹ ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm nay mẹ đã 97 tuổi nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn. Mẹ có 10 người con, 7 trai, 3 gái. Hiện mẹ sống chung với người con trai út; chồng và 1 người con trai của mẹ đã hy sinh.
Nhắc đến chồng và con là liệt sĩ, người mẹ già lại không ngăn được nước mắt. Với mẹ, không gì bù đắp được nỗi đau mất chồng mất con. Góp chuyện cùng mẹ, anh Phạm Văn Minh, cựu chiến binh của phường, là con trai thứ 8, tiếp lời mẹ: “Cha tôi tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, trở thành Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc, huyện Điền Phong, tỉnh Quảng Nam. Trong một trận càn, trước khi đổ bộ hơn 11.000 quân bao vây làng quê tôi, địch nã pháo dữ dội. Nhà cửa tan nát, khói lửa ngập trời. Chúng càn quét, bắt bớ dân làng và tìm được hầm bí mật của cha tôi cùng nhiều đồng đội, chúng tra tấn dã man cho tới chết”.
Mẹ VNAH Phan Thị Diệm và con trai.
Trước cảnh nước mất nhà tan, mẹ dắt díu đàn con vào Đà Nẵng lánh nạn, làm thuê làm mướn sống qua ngày. Rồi người con thứ 2 xin mẹ vào Sài Gòn hoạt động cách mạng, sau đó “kéo” thêm 2 anh em nữa. Một người con của mẹ là Phạm Nhiệm (anh trai anh Minh) ở lại xã hoạt động du kích, bám đất giữ làng. Năm 1967, trong một trận thảm sát của địch, hầm du kích bị trúng bom khiến anh Nhiệm và đồng đội hy sinh. Không thể sống ở quê được nữa, năm 1971, các con trai đã đón mẹ vào Sài Gòn. Dù bữa đói bữa no nhưng mẹ vẫn bí mật tham gia hoạt động cách mạng ở vùng căn cứ cách mạng Bảy Hiền cho đến ngày miền Nam giải phóng. Ngày được phong danh hiệu Mẹ VNAH, mẹ chọn chiếc áo dài đẹp nhất để đi dự hội nghị vì “mẹ không ngờ được đón nhận danh hiệu cao quý này…”.
2. Mẹ VNAH Mai Thị Thiểu, 88 tuổi, quê ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện ngụ tại phường 11, quận Tân Bình. Mẹ có 3 người con thì 2 người đã hy sinh trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch 1972 khi vừa tròn 20 tuổi. Nhắc đến họ, mẹ lại nghẹn ngào. Mẹ chỉ vào di ảnh liệt sĩ Nguyễn Phú Đồng rồi kể: “Năm 20 tuổi nó nhất định đòi đi bộ đội. Mẹ bảo gian khổ lắm, con chịu nổi không? Nó đáp gian khổ mấy con cũng đi vì nếu ai cũng sợ khổ thì bao giờ đất nước mới hòa bình. Vậy là nó đi biền biệt cho tới ngày mẹ nhận tin nó hy sinh…”.
Nhìn tấm ảnh người con gái rất xinh đẹp, tôi hỏi mẹ đó là ai. Mẹ lại nói trong nước mắt: “Nó là đứa con gái duy nhất của mẹ. Nó chăm ngoan lắm. Lớn lên nó cũng xin đi hoạt động cách mạng, làm y tá. Năm 1968, một lần đi công tác, con gái mẹ bị địch phục kích bắn chết. Chỉ trong vòng vài năm mà mẹ nhận được tin 2 đứa con hy sinh…”.
Năm 1954, chồng mẹ tập kết ra Bắc, mẹ và các con sống trong ấp chiến lược, luôn bị địch bao vây theo dõi vì “đó là nhà cộng sản”. Khi biết mẹ sẽ cho đứa con út tiếp tục đi theo cách mạng, địch liền bắt anh đi quân dịch. Chưa được bao lâu thì miền Nam giải phóng, anh con trai út này sang Mỹ. Vậy là mẹ phải sống một mình.
Sau ngày đất nước thống nhất, chồng mẹ trở về. Khi ra Bắc, ông xây dựng gia đình mới và có 2 người con, 1 trai 1 gái. Các con ông thương yêu mẹ Mai Thị Thiểu như mẹ ruột. Thấy mẹ ở một mình các con đón về ở chung. Sau này chồng mất, mẹ ở với người con gái riêng của ông.
Ngày vinh dự được phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH, mẹ xúc động chia sẻ: “Tôi cũng như bao người mẹ Việt Nam khác, luôn sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất chỉ với mong ước cháy bỏng là đánh đuổi hết giặc ngoại xâm để đất nước sớm có hòa bình, độc lập, nhân dân được tự do và hạnh phúc…”.
MINH NGỌC