Mỗi năm giải Cánh diều vàng vẫn diễn ra vào tháng 3, tháng kỷ niệm của ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam và cũng trùng hợp với sự kiện trao giải Oscar của Mỹ… Cả hai sự kiện đều được trực tiếp truyền hình, nên dẫu không muốn người xem vẫn phải có những liên tưởng không lấy làm dễ chịu. Tất nhiên, với một nền điện ảnh đang khuynh đảo cả thế giới như Hollywood, không nên có bất kỳ sự so sánh nào, vì thực sự sẽ vô cùng khập khiễng.
Nhưng xét cho cùng, dù là người khổng lồ, ai cũng phải trải qua giai đoạn ấu thơ, vì vậy sự lớn mạnh ấy không phải tự dưng mà có, bởi không ai có thể bay lên bằng đôi tay trần. Muốn bay lên như câu chuyện cổ thì ít nhất phải có phép màu và đôi cánh. Thời đại bây giờ không thể có ai mang đôi cánh cho ai, mà phải bằng sự nỗ lực của chính mình. Nửa thế kỷ trước, nền điện ảnh Việt Nam ra đời trong khói lửa chiến tranh, ta vừa làm phim vừa đánh giặc bên cạnh sự trợ giúp hết lòng của các nước XHCN anh em.
Nhưng bây giờ đã 35 năm sau giải phóng, tình hình thế giới thay đổi, ta có thể dựa vào ai để đổ nền móng cho mình nếu không phải bằng sức lực của chính mình? Một thế hệ nghệ sĩ được đào tạo bài bản xưa nay đã trên tuổi cổ lai hy, hơn lúc nào hết điện ảnh Việt Nam đang cần lắm lực lượng kế thừa cho cả guồng máy điện ảnh. Bởi vì, đó là một nền công nghiệp cộng hưởng giữa tài năng và kỹ thuật tiên tiến, nó chỉ thực sự thăng hoa khi tất cả được gắn chặt vào nhau một cách hoàn hảo.
Một đạo diễn chuyên nghiệp chưa đủ, nền tảng của điện ảnh chính là sự chuyên nghiệp của cả chu trình làm phim. Nghĩa là cái gốc của điện ảnh hiện nay chính là vấn đề đào tạo những nghệ sĩ chuyên nghiệp và những chuyên viên kỹ thuật. Hàn Quốc đã thành công khi vực dậy nền điện ảnh non yếu của họ bởi vì họ đã biết đào tạo nhân lực và sử dụng nhân lực, biết bỏ tiền đúng chỗ, đúng người, bằng một quyết tâm sắt đá. Liệu chúng ta có thể làm được như họ?
Câu hỏi này khó có thể trả lời trọn vẹn, bởi nếu như vấn đề này được Nhà nước triển khai thì phải hoàn toàn trông cậy vào sự trong sáng và công tâm của những người vô cùng tâm huyết cùng điện ảnh. Sự chọn lọc con người là khâu quyết định tối hậu để những tài năng thực sự được thăng hoa, bằng không tác dụng sẽ có khi ngược lại nếu như đó chỉ là những chuyến dạo chơi của những kẻ bất tài…
Ở thế kỷ 21, phim nhựa Việt Nam khi làm hậu kỳ từ in tráng, âm thanh, kỹ xảo đều phải ra nước ngoài thực hiện! Phim được nhà nước tài trợ hàng chục tỷ, nhưng khi làm ra, rạp từ chối không chiếu thì chỉ có thể cất vào kho. Đây là chuyện dài nhiều tập mà báo chí không ngớt đề cập, nhưng dường như đó đã trở thành căn bệnh trầm kha của điện ảnh Việt Nam. Gần đây, khi các hãng phim tư nhân trăm hoa đua nở, phim tết thu vào hàng chục tỷ, không khí ấy dường như có đem lại chút gì đó tự hào cho nền điện ảnh Việt. Nhưng thực ra, dù trong những phút lạc quan nhất, tự thâm tâm ai cũng hiểu đó chỉ là sắc màu rực rỡ của những chiếc bong bóng xà phòng.
Bởi thực lực điện ảnh của một nước không hề và không bao giờ có thể dựa vào những bộ phim hài giải trí. Cái gốc rễ ở đây là cơ chế, là tâm huyết thực của những trái tim nóng, của những tầm nhìn xa, chứ không phải chỉ “chấn hưng điện ảnh” bằng mấy ngàn tỷ bỏ vào Trung tâm Kỹ thuật đồ sộ với những thiết bị máy móc nhập về, rồi trùm mền vì thiếu nhân viên kỹ thuật. Để rồi lại tiếp tục đi in tráng, thu thanh ở nước ngoài…?!
Điện ảnh Việt Nam đang cần lắm trái tim nóng và tầm nhìn xa, để bắt đầu lại từ gốc: Con người…
Ngô Ngọc Ngũ Long