Trầm bổng dân ca Pa Kô

Tinh hoa đời sống
Trầm bổng dân ca Pa Kô

Đội văn nghệ xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị do Kray Sức và một số người am hiểu dân ca Pa Kô sáng lập đã không ngại khó khăn, gian khổ cất công sưu tầm những lời ca nguyên bản nhằm bảo tồn và chuyển tải nét văn hóa đặc sắc của đồng bào đến với công chúng.

Đội văn nghệ xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, biểu diễn dân ca Pa Kô trong một hội thi.

Đội văn nghệ xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, biểu diễn dân ca Pa Kô trong một hội thi.

Tinh hoa đời sống

Bên bếp lửa bập bùng giữa căn nhà sàn đơn sơ dưới chân đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ trong đêm khuya thanh vắng, tiếng hát và nhịp đàn của nghệ nhân Hồ Văn Việt - thành viên Đội văn nghệ xã Tà Rụt hòa quyện âm thanh núi rừng vang xa: Anh ơi hãy đến ta cùng chung một lời ca - Hãy đến đây cùng thức ngắm trăng - Em mong mỏi chờ anh sao anh không đến... Em ơi, anh nghèo, anh không dám đến - Áo vá mười lỗ, khố chắp mười đốt... Buông phím đàn Ta lư an trum, nghệ nhân Hồ Văn Việt chậm rãi nói: “Đó là điệu Xiêng ngọt ngào, thể hiện nỗi nhớ nồng nàn, tha thiết của cô gái Pa Kô với người yêu sợ phận nghèo không mang lại hạnh phúc lứa đôi nên không dám cùng cô thức ngắm trăng bên bờ suối vắng…”.

Dân ca Pa Kô - loại hình văn hóa dân gian hình thành trong quá trình lao động sản xuất. Trong đó, làn điệu Ka lơi ca ngợi tình đoàn kết giữa dân tộc, ca ngợi tinh thần cộng đồng, cùng giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống. Làn điệu Cha chấp cất lên mừng Đảng, mừng xuân, mừng cuộc sống mới… Muốn thể hiện “hồn” trong từng lời ca cần có đầy đủ các loại nhạc cụ: Bộ gõ gồm trống (Acưk), cồng (Coong) thanh la (Tale). Bộ hơi gồm sáo đôi (Amam), tarial (Tiare), kèn Pi (sáo Pi mo), kèn môi (Adon), tù và (Tăng coi) và khèn bè. Bộ dây có Âmpreh, Ta lư a trum. Ngoài ra còn có lục lạc, chuông và mõ. Tất cả hòa quyện trong những âm thanh khi trầm, khi bổng, lúc rộn rã vui tươi, khi đượm buồn ai oán, đưa con người chìm đắm vào những giai điệu khác nhau của cung bậc cảm xúc. Đó là tinh hoa trong đời sống tinh thần đồng bào Pa Kô kết tinh từ lao động sáng tạo và đấu tranh vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên, tạo hóa để tồn tại và phát triển.

“Mồi lửa” bảo tồn

Dân ca Pa Kô gắn với những lễ hội dân gian liên quan đến phong tục thờ cúng của đồng bào. Trong đó, Pul Boh Ariêu Pling (lễ bốc mả) tổ chức khá rầm rộ, đó là ngày hội lớn của đồng bào Pa Kô ở Trường Sơn. Ngoài ra đối với người Pa Kô hàng năm có hai lễ hội chính đó là ngày lúa mọc bằng ngón tay và vào kỳ thu hoạch. Lễ hội to hay nhỏ đều có vật hiến sinh, năm được mùa thì tổ chức đâm trâu, đánh cồng, chiêng, uống rượu cần và múa hát tập thể. Ông Hồ Trọng Biên, Bí thư Đảng ủy xã Tà Rụt chia sẻ, còn rất ít người lớn tuổi ở Tà Rụt am hiểu tường tận ý nghĩa sâu xa trong từng lễ hội của đồng bào Pa Kô. Mai này chẳng may những con người ấy mất đi, e rằng những nét đẹp văn hóa ấy sẽ bị mai một. Bao trăn trở âm ỉ bấy lâu nay may sao được Kray Sức - cán bộ văn hóa xã Tà Rụt “mồi lửa” bằng trái tim đầy nhiệt huyết, luôn mong muốn giữ gìn, phát huy những nét đẹp truyền thống về văn hóa của đồng bào Pa Kô nên đã cần mẫn sưu tầm và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Kray Sức sưu tầm được gần 100 chiếc cồng, chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống như trống Toong, sáo Khui, khèn Bè, sáo Tirel… Đồng thời, vận động các nghệ nhân dân ca Pa Kô trong vùng sáng lập Đội văn nghệ xã Tà Rụt và dìu dắt, đào tạo 12 người trẻ tuổi biết đánh cồng chiêng, 8 người đánh đàn Âmpreh, 5 người biết thổi khèn, 14 người hát các làn điệu dân ca dân tộc Pa Kô…

Dân ca cùng các điệu múa là điểm nhấn, yếu tố không thể thiếu trong các dịp lễ hội tạo bản sắc văn hóa Pa Kô. Mà văn hóa chỉ “sống được”, tồn tại được đến muôn đời chỉ khi đã ăn sâu vào chính cộng đồng dân tộc ấy chứ không phải được dàn dựng biểu diễn trên sân khấu hay nỗ lực bảo tồn của số ít nghệ nhân. Chúng tôi vượt qua mấy đoạn dốc dựng đứng vào thung lũng A Vương tìm gặp nghệ nhân Kray Sức và được ông cho hay, đã trực tiếp đến tận nhà của các nghệ nhân lão làng tìm hiểu, ghi chép tỉ mỉ từng làn điệu dân ca, điệu múa... cũng như cách thức, lễ nghi trong hệ thống lễ hội của người Pa Kô. Từ đó, ông thành lập Đội văn nghệ xã Tà Rụt dàn dựng thành các tiết mục để đi biểu diễn nhiều nơi. Theo Kray Sức, về lâu về dài, muốn gìn giữ, lưu truyền dân ca, điệu múa, cách làm, sử dụng nhạc cụ cũng như các lễ hội của người Pa Kô thì còn quá nhiều việc để làm, ví như mở các lớp để nghệ nhân truyền dạy cách làm, sử dụng nhạc cụ, các điệu múa, làn điệu dân ca Pa Kô cho lớp trẻ; xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi để nghệ nhân biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca Pa Kô cho trai, gái bản trên, bản dưới thấy hết nét đẹp dân ca dân tộc mình mà tự nguyện tìm hiểu, học hỏi; đầu tư mua sắm các loại nhạc cụ cho Đội văn nghệ xã Tà Rụt, bởi hiện tại mỗi lần đội văn nghệ đi biểu diễn đều phải mượn nhạc cụ của nhiều gia đình trong các bản...

Kray Sức cho biết thêm: “Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc hiện nay hết sức khó khăn. Nhưng không học hỏi, gìn giữ những làn điệu dân ca là có tội với cha ông, với tổ tiên. Mình phải nhanh chóng đưa cái “hồn” dân ca Pa Kô về cho bản làng. Mai này lớp già ra đi, lớp trẻ kế tục kế thừa và phát huy”.

Sắp mở lớp dạy dân ca Pa Kô - Vân Kiều

Trung tâm văn hóa tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức chuyến sưu tầm, tìm hiểu các làn điệu dân ca Vân Kiều, Pa Kô - hai dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở phía Tây Quảng Trị. Đoàn đã có cuộc gặp gỡ, tiếp cận với các nghệ nhân là hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng để tìm hiểu về các thể loại cũng như nội dung các làn điệu dân ca. Trong đó, 4 làn điệu dân ca Ka lơi, Cha chấp, Adên và Tà oải của hai dân tộc Pa Kô và Vân Kiều đã được các nghệ nhân sưu tầm, thể hiện và dịch từ tiếng địa phương sang ngôn ngữ thuần Việt. Qua đó, tạo cơ sở để mở lớp dân ca của hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trong thời gian tới tại địa bàn miền núi phía Tây Quảng Trị.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục