
Ở châu Âu, doanh số bán các loại cà phê truyền thống (dạng hạt hoặc xay sẵn) đang giảm dần thì thị trường cà phê expresso với các viên (capsule) đóng gói sẵn lại đang bùng nổ. Với doanh số 695 triệu euro và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 30% kể từ năm 2001 tới nay, Nespresso (thuộc hãng Nestlé) đang dẫn đầu thị trường này.
Trong cơn lốc của thị trường hấp dẫn này, hiện nay nhà máy sản xuất duy nhất của Nespresso ở Orbe, gần Lausanne, Thụy Sĩ chạy hết công suất vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu. Đây quả là một cơ hội vàng đối với các địch thủ của Nespresso như Starbucks (Mỹ), Illy (Italia) hay Monodor (Thụy Sĩ)… đang chen chân vào thị trường này.
Cà phê expresso

Espresso theo tiếng Italia có nghĩa là “ép thật nhanh”. Cà phê expresso được pha từ cà phê bột bằng cách “ép” nước nóng (92-940 C) đi qua nó dưới áp suất cao (9-10 bar) trong vòng khoảng 30 giây, vì thế expresso có đặc điểm là đậm đặc, hương vị cà phê được giữ hầu như nguyên vẹn (là ưu điểm lớn khiến người ta chuộng expresso).
Đây là cách uống cà phê truyền thống của người Italia. Expresso có rất nhiều loại: ristretto (đậm đặc), lungo (cho nước đi qua cà phê 2 lần), cappuccino (có lớp bọt kem trên bề mặt), machiatto (cũng có chút bọt kem)…Hiện expresso đã xuất hiện ở các khách sạn, bar ở Việt Nam…
So với cà phê pha bằng phin phải mất một thời gian khá lâu, cà phê expresso được “pha” rất nhanh nên hương vị đậm, vì thế người ta thường uống expresso không đường, không sữa, trong một ly nhỏ để thưởng thức hương vị nguyên thủy của cà phê. Expresso cũng chứa ít cafein hơn.
Pha cà phê expresso khá phức tạp, xưa nay thường chỉ do những người chuyên môn làm, vì thế nó được coi là thức uống cao cấp, của những người sành điệu. Các loại máy pha cà phê expresso trước kia cũng thường chỉ là máy chuyên nghiệp.
Về sau, máy pha cà phê expresso được làm ngày càng đơn giản, dễ sử dụng, các gia đình có thể tự trang bị một máy expresso. “Đệ tử” expresso ngày càng đông đảo, làm nên một thị trường đầy tiềm năng. Việc phát minh ra các viên capsule - chính xác là một “liều” cà phê bột - sẽ là tiền đề để “đại chúng hóa” hơn nữa expresso.
Ưu điểm lớn nhất của capsule là cà phê vừa thu hoạch liền được chế biến, xay thành bột và đóng gói dưới chân không vào những ly nhôm kín có khả năng chịu áp suất (vỏ nhôm còn giúp cà-phê chống lại ánh sáng, độ ẩm, chống bị ô-xy hóa…), do đó cà phê giữ được nguyên hương vị trong một thời gian rất dài (12 tháng).
Hơn nữa, nó đã được định lượng sẵn. Khi lắp những capsule expresso vào máy, máy sẽ tự đục lỗ capsule (đáy capsule được làm mỏng hơn), ép nước nóng đi qua và làm cà phê chảy ra. Vì thế, người mua capsule cũng buộc phải mua máy chuyên dụng (một trong những cách buộc chân khách hàng để bán được cà phê).
Các hãng khác đang chờ...phản công!
Là người sáng chế ra loại capsule dành cho máy pha cà phê expresso - sở hữu 70 brevet trong lĩnh vực này - Nespresso bán máy với giá khá bình dân (từ 150 euro trở lên) nhưng lại bán cà phê với giá “cao cấp” (từ 0,31-0,35 euro/đơn vị 6g), tỷ lệ lợi nhuận có thể lên tới 40% theo ước tính của một chuyên gia.
Vấn đề là các bằng sáng chế capsule của hãng chỉ được bảo vệ tới năm 2012 mà thôi. Không có “tấm áo giáp” này che chở, vị trí của Nespresso sẽ trở nên “chông chênh”. Rồi các hãng cà phê địch thủ sẽ cho ra mắt những sản phẩm tương tự.
Trong khi hiện tại Starbucks có tới 14.000 coffee shop, so với con số chỉ 80 cửa tiệm của Nespresso. Để “phản công” hãng này đã bắt đầu nghiên cứu những loại máy mới, cải tiến chất lượng, mẫu mã, vật liệu làm capsule… Theo các nhà quan sát, trận chiến expresso mới chỉ bắt đầu.
NGUYỄN VŨ (theo L’Expansion)