Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, bất chấp thông tin cảnh báo từ Greenpeace (tổ chức Hòa bình xanh) về sản phẩm may mặc trẻ em sản xuất tại Trung Quốc có chứa chất độc hại; trên địa bàn TPHCM vẫn bày bán tràn lan trang phục trẻ em có xuất xứ “Made in China” với màu sắc rực rỡ.
Hàng Việt sản xuất tại... Trung Quốc
Liên tiếp trong vài ngày gần đây, tiết trời tại TPHCM có chút se lạnh, các mặt hàng quần áo thời trang Noel trở nên đắt khách. Chiều tối, dọc các tuyến đường, góc phố chuyên kinh doanh quần áo thời trang như Lý Thường Kiệt (đoạn gần chợ Tân Bình), Trường Chinh (quận Tân Bình), Nguyễn Trãi (quận 5)… vào những ngày này tràn ngập mặt hàng quần áo trẻ em các loại. Hàng được đổ đống, bày ra vỉa hè với đủ màu, kiểu dáng, mức giá khác nhau. Để người tiêu dùng tin tưởng, nhiều điểm bán hàng Trung Quốc còn để biển quảng cáo “Hàng sản xuất tại Việt Nam”, cũng có nơi mập mờ ghi “Hàng xuất khẩu, đẹp, giá rẻ”…
Tại một điểm bán trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), người bán hàng nhiệt tình giới thiệu: “Lựa vài bộ cho cháu nhỏ đi em. Hàng mới về, màu sắc tươi, vải mịn, mặc êm lắm. Lô này chúng tôi mới lấy từ một xưởng sản xuất tại quận Bình Thạnh. Hàng Việt chính hãng, bao mặc. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại của TPHCM cũng đặt gia công tại xưởng này”. Chỉ tay vào bộ quần áo thun lửng in hình gấu trúc dành cho trẻ 5 tuổi, người bán hàng ra giá 50.000 đồng/2 bộ; chiếc áo khoác dày, có bông màu đỏ sậm, mặc dịp Noel có giá 100.000 đồng/chiếc.
Sau một hồi mặc cả, chúng tôi đã mua được 2 bộ quần áo trẻ em cùng chiếc áo khoác đỏ giá chỉ 110.000 đồng. Thanh toán tiền xong, chúng tôi ngỏ ý xin địa chỉ sản xuất tại Bình Thạnh, người bán hàng chối ngay và nói xưởng này không tiếp người lạ. Thử lật tìm địa chỉ sản xuất trong bộ quần áo, chúng tôi chỉ thấy chằng chịt các dòng chữ tiếng Trung Quốc và số điện thoại của bà Hoa - người bán hàng cho chúng tôi.
Tương tự, quần áo trẻ em bày bán tại khu vực chợ Nhật Tảo (quận 10) và chợ Hòa Bình (quận 5) cũng đa phần là hàng Trung Quốc. Theo tiết lộ của chị Mai Phương, bán quần áo tại chợ Nhật Tảo (quận 10): “Buôn bán hàng Trung Quốc mới có lời. Một vốn bốn lời đúng nghĩa đấy”. Nói xong, chị xách trong cửa hàng ra một bọc ni lông chứa quần áo trẻ em, đủ loại giục nhân viên tháo mác Trung Quốc gắn mác Việt Nam. Trên mỗi mác đều ghi chi tiết cơ sở sản xuất tại Vườn Lài (quận Tân Phú), nhưng thực tế đó chỉ là địa chỉ… ma.
Dò theo số điện thoại từ người quen cung cấp, chúng tôi tiếp cận được với anh Ngô Văn Công ngụ tại quận Gò Vấp. Anh Công cho biết, công việc chính của anh là in, photocopy sách, làm danh thiếp các loại. Ngoài ra, anh cũng nhận đặt hàng sản xuất logo, mác quần áo cho khách.
“Muốn loại dây mác mạ vàng, nhựa bóng, chữ nổi sang trọng giống như quần áo bán tại các trung tâm thương mại tại TPHCM đều có. Giá bán từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/mác xịn; 500 đồng đến 1.000 đồng/mác thường. Nếu khách muốn đặt số lượng hàng ngàn mác trở lên, lấy liền trong thời gian ngắn, chúng tôi sẽ huy động các nhà in khác cùng làm”, anh Ngô Văn Công cho biết.
Biết độc hại nhưng tránh cách nào?
Trước thông tin quần áo trẻ em chứa chất độc hại, một số chuyên gia trong nước cho biết, chất NPE (Nonyl Phenol Ethoxylate) là một loại chất bị nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước, chất này ảnh hưởng tới hormone, hệ thần kinh của con người. Còn chất phthalate được cảnh báo có khả năng gây ung thư, phá hủy thận… Thực tế đã rõ, nhưng làm thế nào để tránh được các chất độc hại này thì không phải người dân nào cũng ý thức được.
Chị Nguyễn Thị Mai Hoa (ngụ đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú), lo lắng: “Tôi thường chọn mua quần áo cho con tại chợ, hoặc các cửa hàng thời trang trẻ em gần nhà. Hầu hết quần áo bày bán đều có trộn lẫn hàng Trung Quốc với hàng sản xuất trong nước, nên tôi không biết hàng nào mới an toàn”. Bà Nguyễn Ngọc Hoàng Vy, chủ một cửa hàng thời trang tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), nhận định: “Hiện nay, chỉ có người trong nghề mới biết rõ đâu là hàng sản xuất trong nước, đâu là hàng Trung Quốc. Cho nên chỉ có người mua nhầm chứ người bán không nhầm”.
Điểm lại một số vụ độc tố gây hại bắt nguồn từ hàng thời trang, đồ chơi Trung Quốc xảy ra trong thời gian gần đây, người tiêu dùng thật sự hoang mang. Chẳng hạn như vụ đồ chơi trẻ em (thú nhún, đĩa bay…) có chứa chất phthalate đầu năm 2013; vụ áo ngực Trung Quốc chứa chất gây ung thư năm 2012; vụ quần áo, vải vóc nhập từ Trung Quốc chứa độc tố fomadehyde gây hại cho da cách đây vài năm... Sau tất cả các vụ việc này, người tiêu dùng vẫn dễ dàng mua và sử dụng những mặt hàng độc hại mà báo chí từng cảnh báo, thay vì xa lánh, tẩy chay.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc xử lý đối tượng vi phạm kiểu cắt ngọn của cơ quan chức năng làm cho hàng dỏm trà trộn cùng hàng thật, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Thiết nghĩ, các lực lượng chuyên trách như QLTT, Công an Kinh tế, Hải quan… cần xem xét lại quy trình quản lý các mặt hàng nhập khẩu; giám sặt chặt, xử nghiêm những đối tượng buôn lậu.
| |
THI HỒNG