Mặc dù Bộ NN-PTNT khẳng định nguồn cung thực phẩm trong nước vào dịp Tết Nhâm Thìn khá dồi dào, thậm chí khoảng 1-2 tuần gần đây, giá heo và gà còn có xu hướng giảm, nhưng từ cửa ngõ biên giới phía Bắc, gà lậu vẫn đang ồ ạt tràn vào...
Vượt biên săn gà lậu
Từ nhiều năm nay, xã Bảo Lâm (Đồng Đăng - Lạng Sơn) nằm sát biên giới nổi lên là điểm nóng về thu gom gà lậu, gà thải từ Trung Quốc sang. Ban đêm, ở đây thường xuất hiện hàng trăm “cửu vạn”, xe thồ đủ loại đi tắt qua các lối mòn, đỉnh núi để “đánh” gà từ bên kia vào Lạng Sơn. Sau đó, gà được chở thẳng về xã Thụy Hùng nằm sát quốc lộ 1A tập kết, rồi lại chờ đêm hôm sau đưa lên xe chở về xuôi.
Nhờ sự giúp đỡ của một “cửu vạn” tên H., chúng tôi đã xâm nhập vào tận chợ gà Lũng Vài (Bằng Tường - Trung Quốc) để xem gà lậu. Mới gặp mặt H. đã hỏi: “Các anh lên Đồng Đăng lúc 12 giờ kém 15, đi xe màu đỏ, mặc áo xanh, ăn cơm ở quán bà Sáu gần cổng chợ Đồng Đăng, đúng không?”. Chúng tôi ngỡ ngàng, H. nói: “Ở đây “chim lợn” nhiều hơn cả dân bản địa, được rải trên từng cây số, chỉ mỗi nhiệm vụ theo dõi người lạ lên đây”. Tuy nhiên, H. vẫn nhận lời đưa chúng tôi qua Lũng Vài. Anh ta đưa cho một bộ quần áo cũ và dặn “có ai hỏi thì bảo sang tìm chủ hàng”.
Chúng tôi đi vòng qua trạm biên phòng Cốc Nam để sang Lũng Vài. Cứ đi một đoạn lại có người nằm trên võng, trong lán ven rừng thò tay ra thu phí 5.000 đồng mới cho qua. Đoạn đường từ xã Bảo Lâm sang chợ Lũng Vài chỉ 1,5km nhưng phải đi hơn một giờ mới qua. Dọc đường, hàng hóa được chất từng đống, chủ yếu là quần áo, giày dép. Vài đoạn lại có một nhóm “cửu vạn” ngồi la liệt nghỉ, thậm chí còn tranh thủ chơi xóc đĩa, tá lả chờ giờ “thông quan”. Dưới chân đồi là một ngôi nhà hai gian, H. bảo đó là nơi bán vé của dân phòng Trung Quốc. Bước qua cánh cửa kia là chợ Lũng Vài.
Dọc đường vào chợ, hàng hóa la liệt. Các chủ hàng người Việt ngồi trong những lều dựng tạm bằng bạt, vỏ chăn để canh hàng về. Khu bán gà nằm cuối chợ, có cả nhà kho, nơi đỗ ô tô. Hàng chục “cửu vạn” người Việt kẻ đứng người ngồi, cầm theo đòn gánh, bên hông đeo đèn pin nhỏ xíu, cùng với hàng trăm lồng gà bằng gỗ, bằng sắt loại tròn, loại vuông để sẵn để gánh gà về Việt Nam.
Một lát sau, những chiếc xe tải trọng tải 5 tấn biển số Trung Quốc chở đầy gà ào vào chợ. Cả toán cửu vạn vây quanh, bắt gà từ trên xe nhét vào lồng, mỗi lồng chừng 15-20 con, rồi theo lệnh ồ ạt chở tới khu vực biên giới để về Lạng Sơn. Hàng trăm đèn pin bật lên loang loáng trong đêm giá lạnh cuối năm. Chúng tôi cũng nhập vào toán cửu vạn. Có lẽ là do trời tối nên đám “chim lợn” không thể nhận ra. Đi mải miết một hồi lâu, chúng tôi mới nhận ra đã đặt chân tới thôn Khéo Kham, Đồng Đăng là đất Lạng Sơn.
Từ Khéo Kham, gà được đưa lên hàng chục xe Minks chờ sẵn, chở như bay trong đêm về xã Thụy Hùng, rồi chờ thời cơ đưa lên xe tải, chở xuôi Bắc Giang, Hà Nội và thậm chí chạy suốt đêm vào tận miền Trung, miền Nam. Một lái gà cho rằng, đã ra khỏi địa bàn Lạng Sơn, rất khó để khẳng định là gà lậu. Tuy vậy, để hợp thức hóa gà lậu, các chủ xe, lái gà đã nghĩ ra mánh là đưa gà về tập kết và trao đổi tại hai chợ gà lớn nhất và nhì miền Bắc, là chợ Hà Vỹ và Đại Xuyên (Hà Nội). Thậm chí, để hợp thức hóa gà lậu thành gà ta, các lái còn mua giấy chứng nhận kiểm dịch khống của chủ trang trại để trình cơ quan kiểm tra thú y tại các chốt dọc quốc lộ. Như vậy, gà lậu đã được mang mác là gà nuôi ở trang trại.
Chênh lệch giá quá cao
Theo Ban quản lý chợ Hà Vỹ, mỗi đêm ở đây có gần 100 tấn gà nhập về, để bán cho các chủ buôn nhỏ lẻ, hoặc thu gom đưa tiếp vào miền Trung, miền Nam. Song anh Nguyễn Văn Chính, một tiểu thương ở đây tiết lộ, nguồn gà được đưa về chợ có đủ chủng loại, có nguồn gốc từ các trang trại ở huyện Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội) hoặc Bắc Giang, nhưng 60% gà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Riêng cửa hàng của anh, mỗi ngày nhập từ 800-1.000 con, nhưng có tới 500 con có nguồn gốc Trung Quốc bởi buôn loại gà này lãi cao hơn. Chênh lệch giữa mua và bán gà Trung Quốc là 7 giá, tỷ lệ hao hụt là 0,25% cộng với những chi phí phát sinh khác, mỗi tạ gà Trung Quốc anh lời 400.000 đồng. Nhưng cùng chủng loại, mỗi tạ gà trong nước anh chỉ lời 150.000 đồng. “Vì thế người ta mới liều đi buôn gà Trung Quốc” - anh tâm sự.
Do vận chuyển xa, nhiều khi gà Trung Quốc về tới chợ Hà Vỹ thì bị chết. Nhiều người đem thuê người trong làng Hà Vỹ giết thịt với giá 5.000 đồng/con, rồi bán cho các quán cơm bình dân, nhà hàng với giá chỉ 20.000 đồng/kg, trong khi giá trên thị trường với gà khỏe mạnh cùng loại là 45.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều chủ buôn còn dùng hóa chất để nhuộm cho gà vàng da giống như gà ta, rồi bày bán ra các chợ.
Tại cuộc giao ban tình hình kiểm soát dịch bệnh dịp cuối năm của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, mặc dù gà lậu chuyển về rất nhiều nhưng không hiểu sao khi kiểm tra tại hai chợ đầu mối là Hà Vỹ và Đại Xuyên thì đều phát hiện gia cầm vẫn có giấy kiểm dịch.
Còn Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần thì đề nghị, mặc dù hiện nay không phát sinh dịch trên gia súc, gia cầm nhưng cần phải kiểm soát chặt nguồn gia cầm nhập lậu vào nội địa để ngăn ngừa dịch lây lan, bùng phát nguy hiểm trở lại. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ GT-VT tăng cường kiểm tra các tuyến quốc lộ, không để xe chở gia cầm lậu, đặc biệt không để chủ xe khách chở gia cầm cùng với khách. Ngoài ra, ông Tần cũng yêu cầu lãnh đạo Cục Thú y phải mạnh tay hơn trong việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ thu y trước hiện tượng có những cán bộ lợi dụng nhiệm vụ được giao, cung ứng giấy kiểm dịch khống cho chủ buôn động vật lậu, hợp thức hóa gà lậu.
| |
Ngọc Hiếu - Văn Nguyễn