Trăn trở... đá Bửu Long

Trăn trở... đá Bửu Long

Theo những người cựu trào, làng nghề tạc tượng và bia mộ bằng đá ở Bửu Long (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã có từ lâu. Một thời, sản phẩm của làng nghề không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn ra tận nước ngoài. Thế nhưng bây giờ, làng đá Bửu Long và đời thợ đá cũng mang nhiều trăn trở.

Đá không cứng hơn người!

Đã gần 12g trưa, một nhóm thợ ba người vẫn còn đục lách cách trên một pho tượng Phật lớn. “Giờ này mà các anh chưa nghỉ à?”, tôi hỏi. Một anh trong nhóm lấy tay áo chùi mồ hôi đang nhễ nhại trên trán, cười: “Chưa đúng ngọ mà anh! Có bữa mê làm mà quên luôn bữa trưa. Còn buổi chiều thì tụi em làm đến khi nào hết thấy đường mới thôi”.

Dưới cái nắng gắt của trời miền Đông, bức tượng bằng đá xanh cao gần 2m để ngoài trời hấp thụ ánh nắng, tỏa ra sức nóng hừng hực, nhưng họ vẫn đục, vẫn mài.

Một người trong nhóm thợ tên Lâm cho biết, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, trong những năm gần đây làng đá Bửu Long không chỉ làm tượng Phật và bia mộ như trước mà còn làm nhiều sản phẩm như: lồng đèn, mô hình tháp, ghế, trụ cột, hình thú, cối xay, tòa sen, tượng sư tử…

Trăn trở... đá Bửu Long ảnh 1

Một nghệ nhân trẻ ở làng đá truyền thống Bửu Long.
Ảnh: Châu Phong

Anh Phan Duy Phúc, người có 20 tuổi nghề, nói: “Bây giờ các loại tượng ít làm bằng loại đá mềm vì khả năng chịu đựng nắng mưa rất kém,  khách không chuộng nên phải làm bằng đá xanh lấy ở núi Châu Thới hay đá hoa cương từ miền Trung đưa vào”.

Dù làm bằng loại đá gì đi nữa, nhưng người thợ vẫn nói vui với nhau rằng, “người không cứng hơn đá, nhưng đá không thể cứng hơn người!”. Bây giờ thợ đá Bửu Long đã sử dụng nhiều phương tiện hiện đại như máy cắt, máy mài đá nên phần nào giải phóng được sức lao động và làm ra được những sản phẩm nhỏ, xinh xắn, bán được thêm tiền.

Trong mỗi sản phẩm, dù lớn hay nhỏ, nghệ nhân ở đây đều rất tận tâm, gần như thổi trọn “hồn” mình vào tác phẩm. Anh Trần Văn Quỳnh, chủ một cơ sở đá, cho biết: “Hầu như thợ ở làng đá Bửu Long đều lấy nghề dạy nghề. Nếu được học thêm trường lớp thì họ có thể sáng tác hay hơn”.

Nỗi niềm đời thợ

Đa số thợ đá ở Bửu Long là những người đến từ khắp nơi, rất trẻ, có người chỉ mới 20 tuổi đời nhưng có đến 5 tuổi nghề như hai anh em Hùng và Dũng ở Bình Định vào.

Ông Hai “đầu bạc” năm nay 75 tuổi, một nghệ nhân có tên tuổi trong làng nghề, cho biết, mặc dù hiện nay áp dụng máy móc hiện đại trợ giúp nhưng không thể thay thế hoàn toàn bàn tay con người.

Ngoài bụi bặm, nặng nhọc ra, người thợ đá cũng thường gặp tai nạn khi đá lăn giập tay, giập chân. Thợ mới vào nghề hay bị “trật búa” nên giập tay chảy máu là chuyện cơm bữa. Nguy hiểm hơn có trường hợp bị mảnh đá văng vào mắt,  có thể làm mù.

Anh Ngọc Hà, 24 tuổi, bộc bạch: “Tôi từ Thanh Hóa vào đây để học nghề. Thấy cái nghề nặng nhọc, lam lũ, tay chân lấm lem, con gái không dám thương. Nhưng vì quá yêu nghề nên phải chấp nhận”.

Làm ra được sản phẩm đã mừng nhưng vẫn còn lo bởi khách hàng có chấp nhận hay không còn là chuyện khác. Nguyễn Thanh Nhàn, 26 tuổi (quê ở Phú Yên), tâm sự: “Cái khổ và buồn nhất là làm hàng ra bị người ta chê. Trong quá trình thao tác, nếu bất cẩn hay vô tình làm bể chỉ cần một mảnh nhỏ thì coi như cả một tác phẩm nghệ thuật… đi toi”.

Những người thợ ở đây cho biết, giai đoạn 1995 -2000 là thời “hoàng kim” của nghề đá ở Bửu Long. Lúc đó nhu cầu thị trường trong nước rất lớn do xây dựng nhiều công trình, nhà cửa và cần trang trí các sản phẩm từ đá. Ngoài ra còn xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Mỹ, Pháp…

Sản phẩm bán được “chủ có cơm thì thợ có cháo”, thu nhập của người thợ cũng khấm khá. Còn bây giờ sản phẩm làm ra bị ế, chỉ làm cầm chừng hoặc làm theo đơn đặt hàng, đôi khi có tháng “ngồi chơi xơi nước”.

Anh Nguyễn Trọng Hùng, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên trên chính làng nghề này, nói vẻ buồn buồn: “Có những lúc tôi muốn bỏ nghề để vào Sài Gòn tìm việc khác, chứ làm thợ công nhật 80.000đ/ngày như bây giờ thì biết đến bao giờ dư tiền để cưới vợ”.

Còn nhiều hộ bao đời nay làm nghề đá tự an ủi với nhau rằng so với nhiều nơi khác thì làng đá Bửu Long cũng đỡ hơn và điều quan trọng phải sống với nghề để giữ cho nghề không mai một.

CHÂU PHONG

Tin cùng chuyên mục