Những ngày qua Quốc hội đã thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2015 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ… cử tri rất đồng tình, chia sẻ với ý kiến của nhiều vị đại biểu dân cử về hiện trạng đất nước, các việc làm được và các việc còn “nợ cử tri”; chỉ ra nguyên nhân các bất cập và nguyện vọng của cử tri gửi gắm các cơ quan lãnh đạo Nhà nước, cũng như người đứng đầu trong nhiệm kỳ mới.
Trên tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”, nhiều vị đại biểu không ngại bày tỏ chính kiến, không né tránh nhiều vấn đề nóng đang đặt ra. Về kinh tế, các đại biểu đều thống nhất nhận định, trong nhiệm kỳ qua nước ta có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế phục hồi đà tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, khống chế giá tiêu dùng tăng mức thấp, kéo giảm lãi suất, ổn định giá trị đồng nội tệ… Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ nỗi lo trước việc nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo nhiệm kỳ qua: Nền kinh tế vượt thoát khủng hoảng nhưng sản xuất kinh doanh vẫn chưa hết khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn tiếp tục tăng; việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư chuyển biến chậm; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh chưa rõ nét; mục tiêu đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững chậm đi vào cuộc sống…
Những trăn trở của các vị đại biểu dân cử một mặt thể hiện trách nhiệm, sự đồng cảm với cử tri khi đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, mặt khác cũng trùng khớp với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2016. Năm 2016, Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%, cao hơn năm 2015. Tuy nhiên, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy tăng trưởng khu vực công nghiệp chậm lại và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giảm hơn 1,2% do rét đậm, hạn hán và xâm nhập mặn. GDP năm 2016 khó đạt mục tiêu nếu không có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Lâu nay chúng ta vẫn tự hài lòng về tốc độ tăng trưởng khá, thuộc nhóm đứng đầu khu vực và các nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng đến lúc nhìn nhận đúng mức thực lực và thành quả của mình. Do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, mức độ tăng trưởng cao của ta so với chính mình vẫn là bước đi rất chậm so với các nước. Thí dụ, thu nhập đầu người của Singapore là 60.000USD/năm, GDP tăng 2%/năm thì thu nhập mỗi năm tăng đến 1.200USD/người. Việt Nam hiện nay thu nhập bình quân 2.000USD, nếu tăng GDP đạt 7%/năm thì thu nhập mỗi năm cũng chỉ tăng được 140USD/người, rất khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” nếu không theo kịp bước chuyển thời đại là thay đổi cơ cấu và đổi mới đẳng cấp nền kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay đang tụt hậu so với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia 25 năm, Thái Lan 20 năm, Indonesia và Philippines 5-7 năm… Đây là những chỉ báo lạnh lùng, nghiêm khắc nếu Việt Nam quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tiến trình hội nhập sánh vai cùng thế giới.
Thực tế chứng minh không có quốc gia nào phát triển, tiến lên phồn vinh bằng việc dựa vào doanh nghiệp (DN) nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực, phát triển lực lượng kinh tế tư nhân, tạo sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chế độ chính sách phát triển DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Chủ trương đã rõ, sau thành công Đại hội XII của Đảng, sau khi kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước, người dân kỳ vọng sẽ dấy lên một khí thế mới với cộng đồng DN, người sản xuất kinh doanh, tạo động lực mới trong công cuộc phát triển kinh tế: tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo pháp luật; bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và các nguyên tắc thị trường theo thông lệ quốc tế; đẩy mạnh cải cách theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế…
Cấu trúc của DN Việt Nam hiện nay yếu cả về tiềm lực cũng như sức cạnh tranh. Một minh chứng rõ nét là DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu hiện nay, 30% còn lại dành cho khu vực DN trong nước. Thực tế các chính sách hỗ trợ DN trong nước những năm qua rất nhiều, nhưng vẫn không làm DN “lớn” lên được, do chỉ tập trung cho DN ốm yếu, giải quyết các vấn đề tình thế và có quá nhiều rào cản thủ tục hành chính. Đã đến lúc cần tập trung hỗ trợ đúng mức cho cả DN mạnh, có tiềm năng phát triển. Bởi lẽ, DN Việt có mạnh thì mới có khả năng trở thành trung tâm kết nối với DN nhỏ, cùng tiến ra thế giới trong công cuộc hội nhập; có DN tư nhân dân tộc mạnh mới có thể sánh vai, là đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia.
Nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh khu vực DN tư nhân là chìa khóa để Việt Nam hội nhập thành công, mới hóa giải được trăn trở với các nỗi lo, trút đi một thực tế đáng ngại như các dự báo ngay từ đầu năm, ngay từ đầu nhiệm kỳ mới là: tình hình kinh tế -xã hội thời gian tới có nhiều khó khăn hơn thuận lợi, do các bất ổn ngoại lai bất lợi, thiên tai khó lường.
LÊ TIỀN TUYẾN