Trăn trở trước khó khăn của HTX và kinh tế hợp tác

Ngày 2-3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) và triển khai nhiệm vụ kinh tế hợp tác năm 2016.

(SGGP).- Ngày 2-3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật Hợp tác xã (HTX) và triển khai nhiệm vụ kinh tế hợp tác năm 2016.

Theo Bộ NN-PTNT, đến hết năm 2015 trong lĩnh vực nông nghiệp có 19 liên hiệp HTX nông nghiệp và 10.902 HTX nông nghiệp hoạt động, chiếm 55,5% tổng số HTX trong cả nước và có 7,3 triệu thành viên HTX. Đa số các HTX nông nghiệp là các HTX kinh doanh tổng hợp (8.096 HTX, chiếm 74,26%). Số lượng các HTX chuyên ngành không nhiều (2.806 HTX, chiếm 25,74%). Các HTX nông nghiệp nhiều nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng (33,8%), Bắc Trung bộ (19,5%), Đông Bắc bộ (16,9%), đồng bằng sông Cửu Long (11,1%).

Trên phạm vi cả nước, mặc dù số lượng HTX nông nghiệp được thành lập mới mỗi năm khá cao, khoảng 800 HTX/năm nhưng do số lượng HTX nông nghiệp giải thể vì hoạt động kém hiệu quả cũng rất lớn (khoảng 550 HTX/năm) nên về tổng số HTX nông nghiệp tăng trung bình chỉ khoảng 250 HTX/năm, không nhiều hơn so với trước khi Luật HTX năm 2012 ra đời. Giá trị sản xuất, kinh doanh của mỗi HTX khoảng 1 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX/năm. 

Đa số các HTX nông nghiệp hiện nay thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở nông thôn. Nhìn chung các HTX nông nghiệp đều thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Mức vốn trung bình của các HTX chủ yếu là vốn tài sản cố định đã sử dụng lâu năm như nhà xưởng, mương máng, trạm bơm, máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp khác nhưng cũng đã xuống cấp, lạc hậu. Các HTX nông nghiệp thường rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất kinh doanh rủi ro cao, sổ sách kế toán chưa minh bạch và chưa xây dựng được các phương án kinh doanh khả thi.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ những băn khoăn, trăn trở về sự vượt khó tồn tại và phát triển, tìm hướng đi lên của các HTX hiện nay. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, không nên lý tưởng hóa, không nên phát triển HTX theo lý thuyết, cần định hướng cho HTX, xã viên phát triển dựa trên thực tiễn cuộc sống đang diễn ra. Hiện nay việc thống nhất kết nối giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ thì từng xã viên làm rất kém, ngày càng thiếu hiệu quả. Vậy làm thế nào để nhân rộng mô hình HTX không chỉ làm dịch vụ đầu vào mà phải hướng dẫn nông dân sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ có hiệu quả hơn là nhiệm vụ rất bức thiết hiện nay.

“Tôi rất trăn trở, đã hơn 10 năm nay, cũng tham gia thiết kế chính sách, nhiều lần tôi báo cáo trước Chính phủ về việc thực hiện các chính sách, các chính sách vào cuộc sống rất thấp, chỉ 1%-3% HTX, nhiều lắm là 10% HTX được tiếp cận chính sách. Như thế là chính sách không thực tế với cuộc sống. Có những chính sách đưa ra theo mong đợi trên lý thuyết nhưng không hiệu quả ở thực tế. Vậy vai trò của Nhà nước, Liên minh HTX, Bộ NN-PTNT và các cơ quan đoàn thể khác trong hỗ trợ HTX là như thế nào?” - Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt câu hỏi.

Theo Bộ NN-PTNT, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho HTX là phải đẩy mạnh ở  tất cả các địa phương việc xây dựng và phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác kiểu mới hoạt động gắn với các chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị chất lượng cao, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX, tổ hợp tác và xây dựng cánh đồng lớn đặc biệt ở các địa phương, vùng, miền nông nghiệp hàng hóa phát triển. Hướng dẫn chỉ đạo thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 13 về phát triển kinh tế tập thể trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo chất lượng các hoạt động của các tổ hợp tác, HTX ở các xã, địa phương nông thôn mới.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục