Tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cử tri quận 1 kiến nghị
(SGGPO).- Sáng 16-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 1, TPHCM chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Buổi tiếp xúc cử tri nóng lên trước tình hình căng thẳng tại Biển Đông - nơi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng biển Việt Nam.
Cử tri Nguyễn Văn Bông, hội viên Hội luật gia Việt Nam (phường Đakao) cho rằng có đủ căn cứ pháp lý về lịch sử để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của VN, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa VN, cử tri đề nghị đưa vi phạm của Trung Quốc ra tòa công lý quốc tế.
Cử tri Vương Liêm (đại diện hội người cao tuổi quận 1) đặt vấn đề: Chúng ta ở vào thời điểm Biển Đông đang nóng, Quốc hội có ý kiến gì về hành vi Trung Quốc đưa giàn khoan cùng nhiều tàu bè, tàu chiến, máy bay vào vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa VN? Cử tri kiến nghị mời Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp để có ý kiến về vấn đề này. “Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có giao tiếp gì giải quyết vấn đề này?”, cử tri hỏi.
Đồng quan điểm với cử tri Vương Liêm, cử tri Lê Văn Minh (phường Cầu Ông Lãnh) đề nghị phải quan tâm đặc biệt đến an ninh quốc phòng, không được để xảy ra tình huống “bất ngờ”. Theo cử tri Lê Văn Minh, lực lượng ngư dân là thế trận nhân dân trên mặt biển, do vậy phải quan tâm, ưu tiên đầu tư đặc biệt cho lực lượng này từ việc trang bị hiện đại tàu cá có mã lực lớn để cùng các lực lượng chức năng đang thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển như cảnh sát biển, kiểm ngư… để bảo vệ vững chắc vùng biển của Việt Nam. “Thế trận nhân dân trên mặt biển lúc này cực kỳ quan trọng”, cử tri Lê Văn Minh nhấn mạnh.
Trong khó khăn, càng phải bình tĩnh
“Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế; vi phạm thỏa thuận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (DOC), trong đó có nội dung không được chiếm thêm, không được thay đổi hiện trạng, phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đặc biệt không được dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực để đe dọa”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.
Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng hành động trên của Trung Quốc không chỉ làm nhân dân trong nước bức xúc hàng đầu mà ngay cả nhân dân, học giả, chuyên gia…trên thế giới cũng bức xúc. Việt Nam đã giao thiệp trên 10 lần với Trung Quốc để giải quyết vấn đề nóng này. Chủ tịch nước nhấn mạnh, công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng là hết sức kiên quyết, không nhún nhường, nhân nhượng. Tuy nhiên, khi tình hình càng khó khăn chúng ta phải càng hết sức bình tĩnh, đoàn kết mới có phương án giải quyết tốt vấn đề.
Theo Chủ tịch nước, hiện các lực lượng chấp pháp trên biển của chúng ta đang ứng phó rất kiên cường, rất gian khổ nhưng bình tĩnh. Do vậy, hậu phương càng phải thật sự là chỗ dựa vững chắc cho tiền tuyến. “Chúng ta đã tuân thủ nguyên tắc cơ bản của DOC, dứt khoác là như vậy. Chúng ta mong muốn Trung Quốc thực hiện, ứng xử đúng theo luật pháp quốc tế. Thái độ ứng xử của Việt Nam trước sau như một, giải quyết tất cả vấn đề bằng giải pháp hòa bình nhưng khi giải quyết bằng con đường ngoại giao không xong sẽ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế giải quyết”, Chủ tịch nước bày tỏ quan điểm.
Chủ tịch nước cho biết Trung ương đã và tiếp tục làm việc cật lực để bảo vệ chủ quyền quốc gia thiêng liêng. Nhưng bên cạnh việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia thì cũng càng phải ra sức phát triển kinh tế, phát triển đất nước. Chúng ta phải chắt chiu, tiết kiệm, khắc phục lãng phí, tham nhũng quan liêu để đất nước ngày càng mạnh hơn. Những ngày qua, hành vi manh động của một bộ phận quá khích đập phá nhà xưởng tại các khu công nghiệp là vi phạm pháp luật đáng lên án vì đã hủy hoại sản xuất, phương hại đến hoạt động của doanh nghiệp, lợi ích của đất nước.
Vân Anh