Trang phục độc đáo từ vỏ cây

Trang phục độc đáo từ vỏ cây
Trang phục độc đáo từ vỏ cây ảnh 1
Áo vỏ cây được một người dân tộc Vân Kiều tặng Bảo tàng Quảng Trị 

Thời trang và nghệ thuật trang phục luôn là đề tài hấp dẫn trong mọi thời đại. Áo làm bằng vỏ cây và quan tài bằng thân cây khoét rỗng, câu chuyện hấp dẫn này được phát hiện ở Quảng Trị. 

Trong một lần đi sưu tầm hiện vật ở huyện miền núi Hướng Hóa, Bảo tàng Quảng Trị phát hiện được một cổ vật quý hiếm. Đó là chiếc áo làm bằng vỏ cây. Chủ nhân của chiếc áo vỏ cây là ông Hồ Tả Khư, năm nay 77 tuổi, ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa. Ông Hồ Tả Khư đã tặng chiếc áo vỏ cây quý báu của mình cho Bảo tàng Quảng Trị. Áo này được làm bằng vỏ cây pi, một loại cây cổ thụ thân mộc thẳng đứng, có vỏ dày từ 4 đến 5cm. Cây pi có mủ màu trắng đục, rất độc. Người dân tộc lấy mủ cây pi làm thuốc độc tẩm vào cung tên để săn bắn thú rừng và giết giặc. Cây pi rất hiếm, có khi đi hết một vùng rừng rậm giữa đại ngàn mới tìm thấy một vài cây.

Người Vân Kiều không đốn cả cây pi, mà chỉ dùng rựa đẽo quanh thân cây một vòng tròn rồi bóc vỏ cây. Trước hết, người thợ may áo tính kích thước chiếc áo, sau đó mới đo thân cây để tính khổ...vải. Khổ “vải” phải dài gấp đôi so với chiều dài chiếc áo vì khi vừa bóc ra khỏi thân cây, vỏ cây lập tức rút lại, phải dùng dùi gỗ đập cho đến khi vỏ cây giập và bung ra thì lột vỏ khỏi cây mang về.

Ngoài áo vỏ cây, mới đây Bảo tàng Quảng Trị tiếp nhận một quách mộ cổ làm bằng thân cây khoét rỗng. Đây cũng là “trang phục” của người quá cố, thuộc “hàng hiếm”. Quách mộ cổ độc đáo được dân làng Trung Chỉ, phường Đông Lương, thị xã Đông Hà, phát hiện ở độ sâu 1,2m khi bà con đào đất xây móng trụ điện. Quách mộ dài 2,25m, rộng 0,49m; thành quách cao 0,28m gồm hai phần thân và nắp với kỹ thuật khoét khá tinh xảo, nắp đậy dạng khum tròn lồi lên phía trên, cao 15cm. Phía bên trong quách chỉ còn lại mùn đen. Kết quả giám định ban đầu cho thấy, quách mộ cổ có niên đại khoảng thế kỷ 14-15. Chủ nhân của quách mộ thuộc nhóm người Bắc Ấn hoặc Nam Dương theo đường biển đến Quảng Trị. Đặc điểm của quách mộ không có đồ tùy táng kèm theo. Trước đó, Bảo tàng Quảng Trị đã phát hiện được 3 mộ táng bằng thân cây như ở trên, song có niên đại muộn hơn. Cho đến nay, tục mai táng theo kiểu này vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc trên dãy Trường Sơn.   

Vỏ cây được bỏ vào thùng nước sôi có thêm lá mía, cây sả, củ gừng ấy rồi ngâm trong 10 ngày cho mủ thải ra. Ngâm xong, đem vỏ cây ra phơi trong vòng 7 ngày. Phơi xong, đem vỏ cây vào chỗ khô ráo, sạch sẽ, đợi đến ngày 14 Âm lịch của tháng mới đưa ra khâu áo.Thời gian khâu áo bắt đầu từ 6g sáng và phải thực hiện xong trong ngày, chứ không để qua ngày thứ hai. Hỏi lý do, ông Hồ Tả Khư giải thích: “Người Vân Kiều quan niệm nếu khâu áo vào các ngày thường trong tháng  thì người khác mặc dễ bị nhiễm độc”. Khâu áo xong, đợi đến sáng 18 Âm lịch mới mặc lần đầu. 

Chỉ khâu áo làm bằng sợi mây rừng rất mảnh mai. Mặt trong áo rất láng vì được mài nhẵn. Áo rất mềm, dai, lâu rách, phù hợp mặc vào mùa đông. Người Vân Kiều thích  mặc áo vỏ cây.

Hồ Tả Khư kể: “Hiện nay chỉ còn một số ít người Vân Kiều biết được “công nghệ” làm áo bằng vỏ cây. Bởi vì ngoài việc phát hiện cây pi rồi đến công đoạn bóc vỏ, khâu áo là cả một quá trình gửi gắm tâm hồn của người khâu áo đến với chiếc áo và không phải người bình thường nào cũng may được áo vỏ cây”.

Thạc sĩ Lê Đức Thọ - Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị - cho biết: “Trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quảng Trị có 6 chiếc áo làm bằng vỏ cây. Áo vỏ cây được xem như niềm tự hào trong nghệ thuật trang phục của người Vân Kiều. Đây là trang phục quý hiếm, có một không hai”.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục