Đầu tư phát triển hệ thống y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn là mục tiêu, lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. 5 năm qua, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và vốn vay ODA cho phát triển y tế lên tới hơn 70.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cùng với các địa phương và nhiều bệnh viện cũng đã chủ động huy động thêm được hàng ngàn tỷ đồng các nguồn vốn khác như: vay ngân hàng, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, tư nhân để đầu tư về trang thiết bị y tế, xây mới cơ sở vật chất.
Với nguồn vốn đầu tư không hề nhỏ trên đã giúp cho bộ mặt của ngành y tế có sự thay đổi đáng kể. Nhiều bệnh viện từ trung ương tới tuyến huyện liên tiếp được khởi công xây mới, mở rộng, cải tạo nâng cấp, nâng hạng với quy mô hoành tráng, cùng với đó là việc đầu tư lắp đặt không ít trang thiết bị y tế hiện đại, đắt tiền... với mục tiêu tất cả phục vụ người bệnh tốt hơn. Nhiều bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hình thành được hệ thống bệnh viện vệ tinh tại hầu hết các tỉnh. Việc liên doanh, liên kết đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển kỹ thuật cao, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến góp phần nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh.
Tuy nhiên, thực tế bên cạnh những kết quả mà người dân được thụ hưởng từ việc đầu tư phát triển hệ thống y tế thì vẫn còn nhiều bất cập và tồn tại. Còn nhiều cơ sở y tế chưa được đầu tư, nhất là ở tuyến cơ sở và y tế dự phòng. Việc liên doanh, liên kết, không ít đơn vị chưa sử dụng hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết khiến người bệnh bị thiệt hại. Thống kê của cơ quan bảo hiểm xã hội cho thấy, có tới 80% số dịch vụ được xã hội hóa tập trung vào liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Đáng buồn hơn khi có không ít các cơ sở y tế ở một số địa phương được xây mới to đẹp lại thưa thớt người dân tới khám chữa bệnh, xuống cấp nhanh chóng, thậm chí là bỏ hoang để cỏ dại mọc um tùm. Đối với việc đầu tư trang thiết bị y tế, một số nơi cũng trong tình trạng bỏ ra cả đống tiền để rước về một lô phế thải.
Theo một số chuyên gia y tế và kinh tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc đầu tư, quy hoạch chắp vá, thiếu bài bản và dàn trải trong lĩnh vực khám chữa bệnh, thiếu tính toán nghiên cứu dựa trên nhu cầu thị trường, người bệnh và đánh giá khách quan hiệu quả phục vụ và hiệu quả kinh tế trong y tế. Do đó mới có tình trạng hàng loạt các trung tâm ung bướu và tim mạch đua nhau mọc lên trong các bệnh viện từ bệnh viện trung ương đến bệnh viện tỉnh, thậm chí bệnh viện khu vực của một số địa phương. Cùng với đó là nhiều bệnh viện, nhất ở tuyến dưới đua nhau mở rộng liên doanh, liên kết, vay vốn để đầu tư lắp đặt trang thiết bị y tế hiện đại nhưng lại thiếu sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu. Vì thế có những bệnh viện trang bị máy móc thiết bị hiện đại, đắt tiền nhưng hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí có cái còn... “đắp chiếu” do thiếu đồng bộ và không có cán bộ chuyên môn để vận hành sử dụng. Trong khi đó, nhiều bệnh viện lớn đầu ngành ở Hà Nội và TPHCM… dù được mở rộng, nâng cấp nhưng vẫn phải gồng mình vì quá tải bệnh nhân ở tuyến dưới dồn lên.
Đối với hệ thống y tế ngoài công lập cũng có sự đầu tư và phát triển mạnh mẽ khi cả nước hiện có khoảng 35.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 171 bệnh viện tư nhân hoạt động với trên 10.900 giường bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện tư đều rơi vào tình trạng hoạt động không hiệu quả cũng do việc quy hoạch, đầu tư phát triển thiếu tính toán, mức vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chưa cao. Đồng thời, các bệnh viện tư còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực chất lượng cao, về thương hiệu, hợp tác, chuyển tuyến giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, cũng như trong thanh toán BHYT nên nhiều bệnh viện tư dù có trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hiện đại, khang trang, nhân viên, cán bộ y tế niềm nở, dễ chịu với người bệnh nhưng vẫn... “vắng như chùa bà đanh”.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội. Đầu tư cho y tế là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Theo Bộ Y tế, từ nay tới năm 2020, nhu cầu đầu tư cho hệ thống y tế còn rất lớn, với trên 2.200 trạm y tế xã cần xây mới, cải tạo, nâng cấp và hàng chục bệnh viện tuyến tỉnh và huyện cần đầu tư với nguồn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước còn hạn chế, nợ công tăng cao, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, để nguồn vốn đầu tư phát triển thực sự có hiệu quả, tránh lãng phí và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đòi hỏi ngành y tế, các địa phương và bản thân mỗi bệnh viện cần có một cái nhìn tổng thể, phải đánh giá lại cụ thể, khách quan hiệu quả hoạt động thực tế, có kế hoạch đầu tư phát triển cụ thể và đặc biệt phải công khai minh bạch, tránh xung đột lợi ích, nhất là phải đặt người bệnh làm trung tâm nếu không sẽ là sự lãng phí ghê gớm, dù đó là tiền đầu tư của nhà nước hay tư nhân.
NGUYỄN QUỐC