Tranh luận về “tiếng súng văn hóa” ​

Tại phiên thảo luận tại hội trường về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công nghiệp hỗ trợ, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội cân nhắc đến yếu tố văn hóa đặc thù. 
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái)
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái)

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VKVLNCCHT) tại phiên họp chiều 2-6 của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, dự thảo mới nhất tăng 5 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2. Đặc biệt, quy định về thẩm quyền nổ súng đã được tách thành 2 điều. Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), bên cạnh việc quy định một số hành vi cụ thể được phép nổ súng không cần cảnh báo, phù hợp với tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, bảo đảm thời cơ và yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, dự thảo luật cũng quy định về các trường hợp nổ súng sau khi cảnh báo căn cứ vào tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Dự thảo luật cũng đã chỉnh sửa, phân biệt rõ hơn trường hợp nổ súng sau khi cảnh báo và nổ súng không cần cảnh báo, tránh chồng chéo hoặc nhầm lẫn khi thực hiện.

Nhất trí với đa số các điều, song ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) nhận định, việc quản lý sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ là việc rất phức tạp trên thực tế. Ông nói: “Trong thực tế đời sống, ở nhiều vùng miền, đồng bào dân tộc thiểu số còn sử dụng tiếng nổ do vũ khí thô sơ và vật liệu nổ trong phong tục tập quán, ví dụ trong đám hiếu người có uy tín, chức sắc... dùng tiếng súng như một báo hiệu. Nếu chúng ta quy định như dự thảo luật, nay mai già làng, trưởng bản qua đời, gia đình tổ chức tiễn đưa những người này sẽ vi phạm Luật. Có thể cả nhà người ta cũng sẵn sàng đi vào nhà giam để giữ phong tục, vậy chúng ta có nên quy định như vậy không? Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội nghiên cứu để lại 1 điều khoản sử dụng tiếng nổ vì mục đích văn hóa”. ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc vấn đề này.

Có quan điểm khác, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho biết, về “tiếng nổ văn hóa” này, cơ quan thẩm tra đã tính toán, trao đổi rất kỹ. “Việt Nam có 54 dân tộc với nhiều phong tục tập quán tốt đẹp cần bảo tồn, phát triển, nhưng trong điều kiện hiện nay có những phong tục phải có thay đổi cho phù hợp. Tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi ích một bộ phận người dân, nhưng cũng phải chấp nhận vì lợi ích lớn hơn. Tôi chia sẻ với đại biểu, nhưng đề nghị Chính phủ vận động bà con thực hiện yêu cầu mới của luật và có cách nào đó để bà con thay thế phong tục cũ một cách phù hợp”.

Tin cùng chuyên mục