(SGGPO). - Trong phiên thảo luận về thu ngân sách năm 2016 và kế hoạch thu ngân sách, phân bổ dự toán năm 2017 chiều 1-11, vấn đề giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách tại TPHCM và một số địa phương khác trở thành tâm điểm chú ý. Cuối phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trao đổi sâu về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi sâu về tỷ lệ điều tiết ngân sách TPHCM
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM:
Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã có văn bản đề nghị được thực hiện Nghị quyết 16 (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020) vì TPHCM cần có nguồn lực đầu tư. Nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay, TPHCM chia sẻ nhưng đề nghị không giảm đột ngột (Chính phủ muốn giảm tỷ lệ điều tiết của TPHCM từ 23% xuống 18% - PV). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X về phát triển kinh tế dựa trên cơ sở Nghị quyết 16 và tỷ lệ 1% điều tiết ngân sách của TPHCM là rất lớn. Nếu giảm mạnh tỷ lệ điều tiết sẽ khiến TPHCM khó khăn trong thực hiện Nghị quyết… Xin là xin cơ chế để TPHCM phát triển, từ đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Năm 2017 là kỳ đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới nên có sự phân bổ, điều tiết lại ngân sách. Hơn ai hết chúng tôi hiểu tầm quan trọng bởi vì địa phương không chỉ ảnh hưởng năm 2017 mà còn cả đến năm 2020. Do đó, khi xây dựng dự toán, chúng tôi cố gắng xử lý, tạo sự công bằng nhất định cho các địa phương. Ví dụ như trong chi thường xuyên, các địa phương trọng điểm thu có điều tiết việc phân bổ ngân sách được ưu tiên theo phân bổ chi theo dân số như Hà Nội, TPHCM. Mặc dù có sự ưu tiên nhưng sau khi phân bổ ngân sách năm 2017 có 10/13 địa phương có tỷ lệ điều tiết giảm lớn so với giai đoạn 2011-2016, có địa phương giảm 20-30%.
Bộ Chính trị có một số nghị quyết về phát triển một số địa phương, tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên Chính phủ sau khi giảm điều tiết đã dành hơn 14.000 tỷ đồng cho các địa phương để tỷ lệ điều tiết giảm không quá lớn.
Với TPHCM, năm 2017, dự toán thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, xổ số… tăng 20% so với ước thực hiện năm 2016. Đó là mức tăng tích cực, có cơ sở khả thi vì 2016 tăng 18% so với 2015, trong khi dự kiến GDP năm 2017 tăng cao hơn 2016. Dự toán như vậy và nhu cầu chi ngân sách địa phương, định mức phân bổ… thì tỷ lệ điều tiết của TPHCM giảm từ 23% xuống 17% (Hà Nội từ 42% xuống 32%)... Để TPHCM có lực, ngân sách trung ương phân bổ 1.800 tỷ đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển 1.400 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ điều tiết của TPHCM đã nâng từ 17% lên 18% (tương tự Hà Nội lên 35%). Chia sẻ với TPHCM về ảnh hưởng của cân đối nguồn lực nên trong chính sách đã tạo đặc thù cho TPHCM trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ một phần cho TPHCM xây dựng Khu công nghệ cao, xây dựng định mức phân bổ cho TPHCM cao hơn nơi khác, thưởng vượt thu, bổ sung có mục tiêu vốn ODA, tiền thu từ cổ phần hóa để đầu tư cho chống ngập… Nếu bổ sung các khoản nêu trên thì tỷ lệ điều tiết của TPHCM là 20-21%. Ngoài ra, trung ương còn cam kết cấp phát cho TPHCM 3 tỷ USD ODA… Nếu tính tất cả các khoản trên thì tỷ lệ này lên khoảng 22%.
Do đầu tư không thỏa đáng, TPHCM còn nhiều điểm nghẽn như kẹt xe, ngập nước... Ảnh minh họa: Cao Thăng
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm:
Nếu Quốc hội, Chính phủ đã quyết định thì TPHCM không bao giờ bàn lùi và quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu. Nhưng giải trình của Bộ trưởng dễ khiến hiểu nhầm vì địa phương nào cũng nhận kinh phí bổ sung chứ không chỉ riêng TPHCM. Tôi trao đổi chỉ muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét tạo điều kiện để TPHCM làm ra nhiều hơn chứ không xin tiền về chi tiêu bộ máy, thường xuyên. Chúng ta phải nhìn là tại sao TPHCM rơi vào nhiều điểm nghẽn như vậy: ngập nước, thiếu trường học, kẹt xe… Đó là do nhiều năm có sự đầu tư không thỏa đáng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:
Như Thủ tướng đã nói nói trong cuộc họp Chính phủ, chúng tôi cũng kêu gọi các địa phương, trong đó có TPHCM chia sẻ với các địa phương khác, chia sẻ với Chính phủ, Bộ Tài chính. Chia sẻ vì TPHCM và các địa phương khác muốn có nguồn lực tốt hơn để TP phát triển tốt hơn, lan tỏa tốt hơn. Chúng tôi coi đó là những “con gà đẻ trứng vàng” nên có sự bàn bạc rất kỹ. Trong bối cảnh hiện nay, sự công bằng tuyệt đối không làm được và chỉ là tương đối và cần có sự chia sẻ với nhau. Bởi lẽ thu ngân sách trung ương thời gian tới là rất khó khăn do giá dầu thô giảm sâu, giảm thuế do cam kết hội nhập. Ngân sách trung ương đang quá khó và tỷ lệ thu thì ngân sách trung ương đang giảm dần còn thu ngân sách địa phương tăng lên. Điều đó thể hiện ở việc đến hết tháng 10-2016, các địa phương đã hoàn thành 94% kế hoạch thu ngân sách trong khi trung ương chỉ 70%. Nếu ngân sách trung ương khó khăn kéo dài như vậy thì “chắc phải xem lại các sắc thuế” và nếu lâu quá thì ngân sách trung ương sẽ mất vai trò chủ đạo và như vậy trái với Hiến pháp.
NGỌC QUANG ghi