Cách đây không lâu, một doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa đã quên làm thủ tục thay đổi tên trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mà công ty này đã được cấp và sử dụng suốt 20 năm qua. Cho đến khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp mới tìm văn bằng để chứng minh quyền sở hữu nhưng đã hết hiệu lực. Không thể làm thủ tục thay đổi tên, không thể gia hạn và hậu quả là không có đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện bên vi phạm.
Không chỉ vướng mắc về cơ sở pháp lý như các tình huống nêu trên, các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tổng công ty khi thực hiện việc cổ phần hóa cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp và xử lý đối với các nhãn hiệu mà trước đây nhiều đơn vị trong tổng công ty cùng sử dụng. Bởi vì, sau khi tổng công ty cổ phần hóa hoặc đã thoái vốn từ các đơn vị thành viên, liên doanh, liên kết thì quan hệ giữa các công ty khi đó hoàn toàn độc lập, các bên không còn quan hệ theo kiểu công ty mẹ, con nên việc quản lý như trước đây không còn phù hợp. Tất cả các loại tài sản trí tuệ, trong đó có nhãn hiệu, trước đây sử dụng chung thì nay sẽ là một bài toán khó xử cho các tổng công ty vì không thể chia tách nhãn hiệu như chia tài sản hữu hình, cũng không thể buông lỏng việc quản lý, sử dụng để mất uy tín nhãn hiệu. Do đó, cần phải có biện pháp xử lý thích hợp để việc quản lý, khai thác hiệu quả, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các bên, vừa tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Trước thực trạng trên, đầu năm 2015, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tham gia vào tất cả các ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, với mục đích giúp các doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc về sở hữu trí tuệ trong quá trình triển khai. Đồng thời, giao cho sở triển khai chương trình ứng dụng KH-CN phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp xác định giá trị tài sản trí tuệ và xây dựng hệ thống quản lý tài sản trí tuệ trước và sau khi cổ phần hóa.
Để giúp doanh nghiệp thực hiện việc xác định giá trị tài sản trí tuệ đúng luật, không làm thất thoát tài sản nhà nước và tôn vinh được giá trị thật của các thương hiệu trong trường hợp chi phí xây dựng quá thấp, Sở KH-CN khuyến nghị các đơn vị nên công bố các loại tài sản trí tuệ chưa được tính vào giá trị thương hiệu vào phương án cổ phần hóa và coi đó là các lợi thế của doanh nghiệp để thu hút cổ đông và tìm các đối tác chiến lược.
Hiện Sở KH-CN đã hỗ trợ được 10 doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc xác định giá trị thương hiệu trong năm 2015. Bên cạnh đó, sở đã khảo sát thực trạng và tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc về pháp lý trong khi chuyển đổi doanh nghiệp, đồng thời triển khai xây dựng hệ thống quản lý tài sản trí tuệ cho 5 đơn vị có nhiều quyền sở hữu trí tuệ được xác lập, trong đó có các nhãn hiệu mà họ đang sở hữu và quản lý có giá trị cao và là các nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Nổi bật nhất khi tham gia chương trình này là các đơn vị: Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN); Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV (BEN THANH); Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA); Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (SAIGONTOURIST); Công ty TNHH MTV XNK và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) và Công ty TNHH MTV Dược phẩm sinh học y tế (Mebiphar).
Tài sản trí tuệ là một phần quan trọng và không thể thiếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp, tài sản trí tuệ là một đối tượng được xác định giá trị trong chuỗi giá trị tài sản của doanh nghiệp và là một lợi thế kinh doanh được nhiều người quan tâm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa trong việc quản lý, bảo vệ để tránh làm thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để các công ty sau khi cổ phần có thể khai thác hiệu quả và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
HOÀNG TỐ NHƯ
Phòng Sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN TPHCM