Trong vòng chưa đầy 1 tháng, ĐBSCL xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng: Vụ sạt lở cầu Trà Niềng (Cần Thơ) làm nhiều nhà dân sụp xuống sông và 2 người chết; vụ sạt lở quốc lộ 91 trên địa bàn Châu Phú – An Giang gây ách tắc giao thông, trở thành điểm nóng, gây bức xúc trong dư luận.
Câu chuyện sạt lở thường nóng lên khi mùa khô và mùa lũ vào giai đoạn khốc liệt nhất. Gần như địa phương nào cũng “dính” sạt lở, từ bờ sông, mương, đường, nhà dân… và cả tuyến đê ven biển trong vùng cũng cùng cảnh ngộ. Con số thống kê sơ bộ từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… cho thấy, khoảng 10.000 hộ dân phải di dời khỏi “miệng thủy thần” và số cần di dời chắc cũng ngần ấy. Con số thiệt hại là vô cùng lớn, không chỉ nhà dân, đường lộ mà nhiều người dân cũng bị cuốn trôi. Không ít công trình kè có giá trị tính bằng đơn vị tỷ đồng vượt xa “hai con số” xem ra cũng chưa phát huy hiệu quả, nhiều khi mới xây xong đã sạt lở!
Một số nguyên nhân được chỉ ra: Do nhiều đoạn sông cong, luồng lạch không ổn định, chế độ dòng chảy phức tạp, kết hợp với cấu tạo nền địa chất mềm yếu của lòng dẫn. Ngoài ra, các tác động của con người như: khai thác cát sông không đúng quy định, gây sạt lở cục bộ; việc đắp bờ bao nuôi thủy sản ở một số vùng trên sông Hậu và sông Tiền làm giảm mặt cắt nước, tăng lưu tốc dòng chảy dẫn đến sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Vấn đề đặt ra là cần có tầm nhìn chiến lược bằng cách quy hoạch lại hệ thống dân cư và đường giao thông trong vùng tránh xa “miệng thủy thần”. Thực tế, người dân vùng ĐBSCL có tập quán sống dọc theo các tuyến kinh gần lộ để thuận tiện đi lại và mua bán. Tập quán này cần được thay đổi bằng quy hoạch lại kiến trúc nông thôn. Kiến trúc nông thôn ở đây không chỉ là hành lang lộ giới mà cả hành lang “thủy lộ”. Ngay cả các tuyến đường nâng cấp và xây dựng mới cũng nên tránh xa “thủy thần” để tránh tình trạng lãng phí.
Vụ sạt lở cầu Trà Niềng hiện vẫn còn dư luận âm ỉ tại Cần Thơ, bởi tuyến tỉnh lộ 923 (lộ Vòng Cung) được xem nằm trong vành đai sạt lở và thực tế hiện nay diễn biến càng nghiêm trọng hơn. Trước đây, khi nâng cấp và xây dựng mới các cây cầu trên tuyến đường này đã có ý kiến cảnh báo: nên dời phần đường xây dựng xa bờ sông hơn để tránh sạt lở, nhưng “cảnh báo” này đã bị… trôi!
Không chỉ người dân, mà ngay cả các cơ quan chức năng ở các địa phương vẫn còn thói quen làm đường cặp bờ sông. Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nhiều tuyến lộ giao thông nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… bị sạt lở nghiêm trọng. Phần lớn đường giao thông nông thôn là huy động vốn trực tiếp từ người dân (chủ yếu đường đi qua nhà ai người đó làm), sạt lở đã gây thiệt hại tiền bạc và lòng tin của nhân dân.
Sạt lở ở ĐBSCL chắc chắn sẽ chưa dừng lại, nhất là những nơi có nguy cơ cao như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long…Có lẽ đã đến lúc quy hoạch tổng thể về hệ thống giao thông và nhà ở nông thôn, nhất là ở vùng sông nước ĐBSCL, phải có tầm nhìn chiến lược, tránh xa “miệng thủy thần” để đảm bảo an toàn cho cuộc sống người dân.
Cao Phong