Ban đầu chỉ là một trong vô vàn những hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng chỉ qua hơn nửa năm tổ chức, cuộc thi sáng tác thơ, nhạc “Thăng Long - Hà Nội Trái tim tôi” do Báo SGGP, NVH Thanh niên cùng doanh nghiệp sách Thành Nghĩa đồng tổ chức, đã dần trở thành một trong những sự kiện văn hóa nổi bật, được xem như là tiếng lòng của những người con phương Nam thể hiện nỗi nhớ về Hà Nội - trái tim, thủ đô của đất nước.
Những ký ức về Hà Nội
Khi lựa chọn tổ chức một hoạt động văn hóa, nhằm hòa chung với giới văn nghệ cả nước chuẩn bị đón chào đại lễ kỷ niệm 1.000 năm hình thành, xây dựng mảnh đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay, Báo SGGP, NVH Thanh niên đã đắn đo suy nghĩ. Mục tiêu đặt ra, vừa phải có được nhiều sáng tác nghệ thuật hay, lại vừa có thể tạo nên sự quan tâm rộng khắp của giới văn nghệ sĩ, quần chúng. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có tác giả, nghệ sĩ và cả khán giả riêng, chọn loại hình nào cũng đồng nghĩa là giảm bớt đi những người sáng tác, thể hiện và thưởng thức ở thể loại khác. Trước khó khăn đó, NVH Thanh niên, Báo SGGP đã có quyết định táo bạo: Đồng thời tổ chức một loạt cuộc thi của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.
Gần 500 bài thơ gửi dự thi, 100 bài thơ được tuyển chọn in thành tập thơ “Thăng Long - Hà Nội Trái tim tôi”. Từ những bài thơ đó, ban giám khảo phần thi thơ đã lựa chọn ra bài thơ của nhà thơ Trương Nam Hương với nhan đề Hà Nội một thời để trao giải nhất. Bài thơ được đánh giá cao với cách thể hiện giàu hình ảnh, phản ánh đầy đủ từ sự cổ kính, yên bình của Hà Nội (Một thời Hà Nội lung liêng/Sương cong mái phố khói nghiêng mặt hồ), đến một Hà Nội kiên cường bất khuất trước kẻ thù (Một thời Hà Nội hiên ngang/Giữa bom rơi hứng quả bàng chín rơi”. Hai bài thơ Nhớ Hà Nội của nhà thơ Đoàn Tú Khang và Thành phố ngàn năm tuổi của nhà thơ Dương Xuân Định cùng đoạt giải nhì.
Tuy nhiên, không phải bài thơ giải nhất phổ nhạc cũng sẽ giải nhất, thơ là thơ, nhạc lại vẫn là nhạc. Sự khắc khoải những ngày đông Hà Nội xưa của nhà thơ Trương Nam Hương khi phổ thành nhạc lại thiếu đi một chút sự kết nối với mảnh đất nắng ấm bốn mùa của phương Nam. Bài thơ Nhớ Hà Nội của nhà thơ Đoàn Tú Khang tuy về chất thơ hơi kém hơn, nhưng lại vừa vặn kết nối được 2 mảnh đất lịch sử ở hai đầu tổ quốc khi được phổ thành nhạc và bài hát Nhớ Hà Nội được nhạc sĩ Tố Hải phổ nhạc đã đứng nhất phần thi thứ hai. Hai giải nhì lần lượt thuộc về bài hát Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội (nhạc Thanh Bình, thơ Tân Việt) và Hà Nội trong tôi (nhạc Thế Tuyên, thơ Ngô Quỳnh Lan).
Ấn tượng đọng lại
Các bài thơ, bài hát đoạt giải cao hay thấp đều để lại cho khán giả, những người con nơi phương Nam xa xôi những cảm xúc nhớ mong, hoài niệm trong đêm trao giải. Bài thơ giải nhất của nhà thơ Trương Nam Hương khi được chính tác giả đọc lên, gợi lại những kỷ niệm xưa của những đứa con Hà Nội xa quê, gợi nên sự tưởng tượng về một mảnh đất thấm đẫm văn hóa, chất chứa lịch sử của những người con đất Việt chưa có dịp đặt chân đến Hà Nội. Bài hát đoạt giải nhất đem đến cho khán giả một hình ảnh đầy ấn tượng khi giữa mai vàng TP nhớ đào hồng Nhật Tân (Hà Nội).
Thế nhưng, có lẽ bài hát được chú ý nhất đêm trao giải lại thuộc về một tác phẩm chỉ đoạt giải khuyến khích, bài hát Sông Hồng tuổi 17 (thơ Trương Nam Hương, nhạc Lê Hải) do NSƯT Quỳnh Liên trình bày. Câu chuyện về tình yêu của một chàng trai và cô gái bên con đê sông Hồng ngày còn bé rồi phải xa cách nhau, mỗi khi nhớ lại chỉ còn vang vọng (Ba mươi năm đấy/Sông Hồng hóa em!).
Điều lạ là bài hát này lại là sự gắn kết giữa hai nghệ sĩ khác hẳn nhau. Nếu nhà thơ Trương Nam Hương khá nổi tiếng trong giới thơ thì nhạc sĩ Lê Hải lại hiện đang là một sĩ quan công an. Nhưng nghệ thuật không phân biệt nghề nghiệp, nhạc sĩ Lê Hải tâm sự: “Khi đọc bài thơ của anh Hương, tôi bỗng như gặp lại chính mối tình của mình trên con đê sông Hồng những ngày tuổi trẻ, tôi chọn điệu dân ca cho bài hát như một cách thể hiện dịu dàng hồi ức của mình”. Còn với Trương Nam Hương, anh nhắc đi nhắc lại “Tôi nợ Hà Nội món nợ sinh ra cùng thời tuổi trẻ, tội nợ TP HCM giúp tôi lớn lên và trưởng thành. Những món nợ đó tôi sẽ cố trả qua những vần thơ của mình”.
Một cặp nghệ sĩ-nhà thơ đặc biệt khác là nhà thơ Tân Việt với bài thơ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội và nhạc sĩ Thanh Bình, người phổ nhạc bài thơ này. Đó là hai mẹ con, mẹ làm thơ và con phổ nhạc và còn lạ hơn nữa khi tác phẩm của hai người phụ nữ lại hùng dũng, mạnh mẽ, chất chứa hào khí của những “Nam quốc sơn hà”, ‘Bình Ngô đại cáo” cho đến Ba Đình lịch sử.
“Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, câu thơ trong bài thơ Nhớ Bắc của người lính-nghệ sĩ Huỳnh Văn Nghệ được các nhà thơ, nhạc sĩ dùng lại khá nhiều. Đó cũng là tình cảm chung những người dự đêm trao giải thơ, nhạc.
Tường Vy
Triển lãm ảnh “Mùa xuân TPHCM hướng về thủ đô 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” Chiều 6-2, tại số 14 Alexandre De Rhodes, quận 1, Hội Nhà báo TPHCM phối hợp với Tạp chí Du lịch TPHCM tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Mùa xuân TPHCM hướng về thủ đô 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Triển lãm trưng bày 200 ảnh màu của 19 thành viên CLB Nhiếp ảnh Du lịch thực hiện, gồm 2 phần: 100 ảnh phản ánh phong cảnh, sinh hoạt, con người về Hà Nội và 100 ảnh về nét đẹp TPHCM. A.Dung |