Trẻ em Việt Nam ngoan nhất châu Á?

Trẻ em Việt Nam ngoan nhất châu Á?

Là nhận định của hầu hết các gia đình Việt trong báo cáo Chỉ số các mối quan hệ năm 2016 (PRI 2016). Người Việt nghĩ rằng con cái của mình rất ngoan vì chỉ 16% các ông bố bà mẹ nổi giận với con trẻ nhiều hơn một lần mỗi tháng. Thậm chí, tần suất nóng giận với con một lần mỗi tuần chỉ chiếm 5% trong các gia đình Việt.

So với các nước khác trong khu vực châu Á trong khuôn khổ khảo sát PRI 2016 do Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ thực hiện, bố mẹ người Việt có mối quan hệ cực kỳ tốt đẹp với những thiên thần nhỏ của mình. Họ mong muốn con cái sẽ thường xuyên chia sẻ và tâm sự với bố mẹ, bởi lẽ họ cho rằng điều này sẽ giúp gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. 

Thế nhưng, trung bình, 70% bố mẹ Việt chỉ dành một tiếng mỗi tuần để trò chuyện với con cái. Trong khi gần 60% đã thể hiện tình cảm với con cái bằng lời nói và ngược lại, họ cũng thường xuyên được con trẻ nói lời yêu thương. Như vậy, mặc dù các bậc phụ huynh hy vọng có thể gần gũi với con cái hơn nhưng quỹ thời gian tương tác với bọn trẻ thật sự quá ít ỏi. Và kết quả trẻ em Việt Nam hiện cư xử rất ngoan ngoãn do người Việt nhận định liệu có phản ánh được sự thấu hiểu của họ với con cái?

Một mối quan hệ được xem là thành công đều cần sự “gật đầu” từ cả hai phía. Ở đây, với vai trò là một “đối tác” trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, những thiên thần nhỏ Việt Nam có thật sự ngoan ngoãn như bố mẹ chúng đang nghĩ không?

Hãy nghĩ đến lý do vì sao các gia đình có điều kiện kinh tế thường chủ trương cho con cái học tập ở môi trường quốc tế, nếu không phải là trường học quốc tế thì cũng là trung tâm Anh ngữ có giáo viên nước ngoài. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh hiểu rằng môi trường văn hóa của đất nước chúng ta vô tình khiến các đứa trẻ trở nên rụt rè, không dám phát biểu chủ kiến của chúng. Đó có thể là kết quả của những lần bị khiển trách vì phát ngôn ngô nghê không hợp ý người lớn, hay bị bạn bè chế giễu khi trả lời sai trong lớp học… Dần dà, chẳng còn đứa bé nào có thể tự tin bày tỏ quan điểm của riêng mình vì e ngại ánh nhìn “khắc nghiệt” xung quanh. Trẻ em quốc tế thì không, chúng được khuyến khích nói ra suy nghĩ của mình, bố mẹ luôn cho chúng cơ hội để sửa sai khi thất bại, đồng thời cổ vũ con trẻ cố gắng ở những lần sau.

Trở lại chuyện “ngoan ngoãn” mà các ông bố bà mẹ Việt đang nghĩ, phải chăng con cái “một dạ hai thưa” là do chúng cảm thấy không thoải mái hay khó dễ dàng chia sẻ với họ? Cũng như người trưởng thành, con trẻ cũng muốn được tôn trọng, đặc biệt là từ đấng sinh thành của mình. Phụ huynh cần tạo nhiều cơ hội để có thể gần gũi với con trẻ nhiều hơn, kiên nhẫn tiếp nhận phản biện nếu trẻ muốn bày tỏ quan điểm cá nhân… Con cái ngoan ngoãn thì ông bố bà mẹ nào mà chẳng vui lòng, nhưng ngoan theo nghĩa nào thì chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Tin cùng chuyên mục