Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng cho tới nay, một điều mà có lẽ tất cả chúng ta đều day dứt và thương nhớ là hiện cả nước vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy và khoảng 300.000 hài cốt đã tìm thấy nhưng chưa xác định được danh tính. Theo trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, theo ước tính, khoảng 30% số liệt sĩ không có phần mộ, 30% khác có mộ nhưng chưa biết tên... và trên bia vẫn chỉ ghi là “liệt sĩ vô danh”.
Sau nhiều chục năm, những hố bom nơi các anh ngã xuống đã liền miệng, nhiều cánh rừng cháy và nhuốm chất độc hóa học nơi các chị bỏ tuổi thanh xuân cũng đã xanh tươi trở lại, đất nước đã có rất nhiều đổi thay khởi sắc… nhưng thân xác các anh chị vẫn đang nằm lại một nơi nào đó mà chưa thể quy tập về các nghĩa trang khang trang sạch sẽ, để được “đoàn tụ” người thân dù là hai cõi âm dương cách biệt. Không chỉ có những liệt sĩ đang nằm lại những chiến khu xưa, biên giới mà còn có nhiều liệt sĩ hiện thân xác vẫn gửi ở các chiến trường như Lào, Campuchia…
Trong nhiều năm qua, đất nước đã dành rất nhiều công sức và thời gian để thực hiện chương trình đi tìm đồng đội và quy tập mộ liệt sĩ. Rất nhiều cá nhân, tổ chức nhân đạo và tri ân cũng cùng vào cuộc. Thông qua các chương trình, dự án đã có rất nhiều hài cốt liệt sĩ được tìm thấy và quy tập, di dời về nơi an nghỉ cuối cùng. Hoạt động quy tập, đi tìm đồng đội nhận được sự quan tâm và tri ân của toàn xã hội.
Hiện nay, Bộ LĐTB-XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan cũng đang nỗ lực phối hợp triển khai dự án tìm kiếm mộ, xác định danh tính thông qua xét nghiệm ADN để quy tập, di dời về các nghĩa trang liệt sĩ… Tất nhiên, công cuộc tìm kiếm, quy tập còn gặp muôn vàn khó khăn, theo thời gian hài cốt của nhiều liệt sĩ không còn nguyên vẹn, nhiều mộ liệt sĩ tập thể xương thịt quyện hòa vào nhau… càng gây khó khăn cho việc xác định ADN, danh tính nhưng ở thời điểm hiện tại, đây là phương pháp hiệu quả và chính xác nhất và cần đầu tư nhân rộng.
Để sớm tìm được các chị, các anh – những người mà xương cốt vẫn đang nằm đâu đó trên những chiến khu xưa, những cánh rừng dọc chặng đường hành quân, chiến đấu… có lẽ cần sự tham gia của cả xã hội cùng các tổ chức nhân đạo, bằng những phương pháp khoa học và có cơ sở thực sự.
Để cổ vũ và huy động cả xã hội cùng vào cuộc, các cơ quan chức năng của nhà nước cần chủ động triển khai các chính sách và cơ chế hỗ trợ, tặng thưởng xứng đáng cho những cá nhân, tổ chức đã và đang làm việc hết mình cho chương trình tìm kiếm, quy tập mộ và hài cốt liệt sĩ - đặc biệt là những tấm gương không quản ngại khó khăn gian khổ đi tìm đồng đội vì cái tâm và nghĩa cử cao đẹp, hoàn toàn trong sáng mà không vụ lợi.
Đồng thời cũng cần điều tra và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức không có năng lực thực sự nhưng đang lợi dụng niềm tin và niềm mong mỏi tha thiết của các thân nhân để lừa gạt nhằm đạt mục tiêu thu lợi bất chính. Theo nhiều chuyên gia, chương trình tìm kiếm, quy tập cần triển khai một cách chủ động hơn nữa thông qua việc lập bản đồ và hệ thống thông tin tìm kiếm, xác định danh tính bằng xét nghiệm ADN, tiếp nhận và xử lý nhanh thông tin của người dân cung cấp… như nội dung được ghi trong “Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ” mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Đưa các anh chị trở về các đài nghĩa trang liệt sĩ để ghi công và tri ân không chỉ là để chu toàn bổn phận của chúng ta, thế hệ hôm nay đối với những người hy sinh cho Tổ quốc mà còn là nghĩa cử đẹp để chia sẻ những mất mát với thân nhân của người ngã xuống. Điều đó cũng là thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, đời đời tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng đất nước... của người Việt Nam.
VĂN PHÚC