Trong ngày lễ “Tôn sư trọng đạo” hôm nay 20-11, cả xã hội đều dành những lời chúc tốt đẹp nhất, những ca từ hay nhất, những vần thơ sâu lắng, dạt dào tình cảm nhất… để tri ân các nhà giáo, vinh danh nghề “trồng người” cao quý. Những câu chuyện giàu tình người, những ký ức ấm áp tình nghĩa thầy trò, những hoài niệm về một thời nghèo khó nhưng thanh đạm, thấm đẫm tình yêu học trò của các thế hệ nhà giáo lão thành không chỉ tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn dậy sóng trên mạng xã hội. Ai cũng có một thời đi học và ai cũng có những kỷ niệm không thể nào quên về hình ảnh thầy cô - những người đã dìu dắt mình thành người, thành tài. Ngày Nhà giáo - ngày tri ân thầy cô - luôn mang ý nghĩa trọng đại, nhắc nhở chúng ta “Một chữ cũng là thầy” và “Không thầy đố mầy làm nên”.
Trải qua bao thăng trầm, nghề giáo luôn là nghề được xã hội trọng vọng, tôn vinh và có sức hấp dẫn rất riêng, rất đặc biệt. Chính vì thế, khi được hỏi nếu cho chọn lại nghề, nhiều thầy cô vẫn khẳng định chọn nghề thanh đạm nhưng lại giàu có về tâm hồn này. Giản đơn là sau mỗi chuyến “đưa đò”, dù cực nhọc, dù vất vả nhưng bù lại thầy cô đón nhận nhiều niềm vui, hạnh phúc từ những ước mơ, khát khao học chữ, khám phá chân trời tri thức của lớp lớp học trò.
“Sự tiến bộ của từng học sinh, lời cảm ơn mộc mạc, những ánh mắt thân thương của người học… là những phần thưởng quý báu mà không tiền bạc nào mua được.” - đó chính là tâm sự, bộc bạch của nhiều thầy cô về nghề cao quý này.
Suốt một đời trau dồi nghề nghiệp, nâng cao chuyên môn và cần mẫn, thâm canh trên những mảnh đất sư phạm từ thành phố đến vùng sâu, từ vùng cao đến hải đảo xa xôi, nhiều nhà giáo đã vượt khó, vượt khổ, gắn bó với nghề. Không thể đo đếm, ghi nhận hết tấm chân tình, sự hy sinh của các nhà giáo đã vượt qua gian nan, thiếu thốn để gieo hạt mầm - những con chữ, phép tính nhiệm màu cho học trò nghèo đổi đời. Thầm lặng với công việc “trồng người” và hạnh phúc với niềm vui nhỏ bé, ngắm nhìn vườn ươm tri thức nảy mầm, xanh lá, họ chẳng hề than vãn, đòi hỏi điều gì. Thậm chí, ở những vùng sâu, vùng xa, để níu kéo học trò không từ bỏ giấc mơ học hành, nhiều thầy cô còn chia sẻ đồng lương ít ỏi, góp phần cưu mang những mảnh đời thiếu ăn, thiếu mặc. Có lời tri ân nào diễn tả được sự tận tụy, hy sinh cao cả này?
Để những vòng nguyệt quế, những lời tri ân tiếp tục tỏa sáng, xã hội đang đòi hỏi, đặt lên đôi vai người thầy trọng trách lớn hơn. Công cuộc đổi mới, chấn hưng nền giáo dục nước nhà đã được Đảng, Nhà nước đặt ra trong Nghị quyết số 29/TW và chúng ta đang nỗ lực, dành mọi nguồn lực, tâm huyết để thực hiện những mục tiêu đặt ra. Và để con tàu giáo dục Việt Nam tăng tốc, tạo niềm tin cho gia đình và xã hội từ những sản phẩm giáo dục đạt chuẩn thì người thầy phải tiên phong, làm tốt vai trò kiến tạo, khai sáng tri thức. Nếu không tự đổi mới mình, nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm và đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức thì người thầy sẽ tụt hậu, khó có thể đồng hành với khát vọng vươn lên, làm chủ công nghệ, tri thức của các học sinh.
Tất nhiên, cùng với sự đòi hỏi, kỳ vọng ở người thầy trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc và trong xu hướng hội nhập nhanh với nền giáo dục quốc tế, chúng ta cũng phải xem lại trách nhiệm của xã hội, sự đầu tư cho giáo dục đã thỏa đáng chưa? Không có thầy giỏi thì không thể có trò giỏi và muốn có thêm nhiều thầy giỏi, dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp trồng người thì phải có chính sách tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ phù hợp, xứng đáng. Tri ân và trách nhiệm phải đồng hành. Có như vậy thì ngày lễ nhớ ơn thầy cô càng mang ý nghĩa sâu sắc hơn.
KHÁNH BÌNH