Tri Tôn ngày mới

Tri Tôn ngày mới

Tết Chol Chnam Thmây của bà con dân tộc Khmer Nam bộ lại đến. Mỗi mùa tết đến cuộc sống lại vui hơn. Về Tri Tôn (An Giang), nơi có hơn 38% dân số là người dân tộc Khmer, thấy cuộc sống đang đổi thay từng ngày.

Cổ kính Tri Tôn

Cổ kính Tri Tôn

1. Ngã ba Lộ Tẻ Tri Tôn là nơi giao nhau giữa quốc lộ 91 và tỉnh lộ 942. Hướng theo quốc lộ 91 là về Châu Đốc - Núi Sam, còn đi thẳng theo tỉnh lộ 942 chừng 45km sẽ đến phố núi Tri Tôn. “Có thêm nhiều tỷ phú người Khmer ở đây rồi”, Châu Nhen khẳng định và thích thú kể về gia đình anh Chau Si Phanl và chị Neang Kim Sên (xã An Tức): chỉ khởi đầu với 4 công đất cha mẹ cho, nhờ năng động và chí thú làm ăn, nuôi heo, mở nhà máy xay lúa, mua máy cày, làm dịch vụ… mà trở thành tỷ phú.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, ông Đỗ Minh Trí cho biết, những năm qua bộ mặt Tri Tôn thay đổi tích cực, “riêng bà con Khmer được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Đảng và Nhà nước cho vùng dân tộc và biên giới”. Là vùng “năm non bảy núi” Tri Tôn vẫn có hơn 95% hộ sử dụng lưới điện quốc gia, 97% hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% xã có đường bộ đến trung tâm. Số hộ nghèo trong bà con dân tộc Khmer giảm từ 18,12% (năm 2005) xuống chỉ còn hơn 9% (2010)...

Tri Tôn có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất An Giang (khoảng 90.000ha) chủ yếu được sản xuất bằng cơ giới hóa. Nhiều cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống 200 - 300ha, rồi mô hình nuôi bò (hơn 22.000 con) kết hợp trồng trái bắp non và thanh long ruột đỏ. Phòng khám đa khoa thị trấn Ba Chúc khang trang; phố chợ thị trấn Tri Tôn, Ba Chúc san sát cửa hàng dịch vụ, ngân hàng…

Tri Tôn đang triển khai xây dựng kho chứa, xay xát, chế biến gạo quy mô lớn (xã Lương An Trà), nhà máy sản xuất đường thốt nốt (Hồng Kông đầu tư), trồng và bao tiêu các loại đậu ở vùng đất núi (Ấn Độ)… Huyện cũng mời gọi doanh nghiệp đầu tư trung tâm thương mại tại xã biên giới Vĩnh Gia, nơi được Chính phủ quy hoạch xây dựng cửa khẩu phụ, đồng thời tuyến đường nhựa kết nối giữa xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) với xã Tà Ô (quận Kirivong, tỉnh Takeo, Campuchia) đã được xây dựng hoàn chỉnh. Tịnh Biên - Tri Tôn - Hà Tiên được nối bằng con đường nhựa phẳng lỳ. Cả vùng biên sống dậy.

Phum sóc Tri Tôn

Phum sóc Tri Tôn

2. Bước ngoặt lớn về đào tạo nghề cho con em người Khmer vùng biên giới là Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú An Giang (xã Núi Tô).  Trường vừa khánh thành cuối năm 2012, có diện tích rộng đến 31.600m², gồm 12 phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, ký túc xá… nhận học sinh chủ yếu từ huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, nơi tập trung phần lớn bà con người Khmer trong tỉnh (gần 80.000 người).

Ngoài chế độ miễn học phí và các lệ phí thi, tuyển sinh, học sinh còn được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương tối thiểu của Nhà nước, hỗ trợ tiền mua học phẩm, sách giáo khoa, chăm sóc sức khỏe; tiền điện, nước, tiền ăn khi ở nội trú. Học sinh (trung cấp nghề) có kết quả học tập khá còn được thưởng tiền… Hơn một nửa trong số 65 cán bộ, giáo viên, công nhân viên làm việc tại đây là người dân tộc Khmer. Trong đó, có 3 thạc sĩ, 51 cử nhân, kỹ sư, 9 cao đẳng và 2 trung cấp. 

Gia đình ông Chau Khưm và chị Neáng Ben (xã Ô Lâm) cầm cố 1 công đất cuối cùng để đổi lấy 4 triệu đồng mua máy vi tính cho con học (con trai đầu đã tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, con gái đang học lớp 10 Trường THPT Dân tộc nội trú).  Bà con Khmer đã ý thức rõ lắm về cái chữ. “Suốt dải biên giới Tây Nam, nhất là tầng lớp sư sãi Khmer tự hào, vui mừng vì đó là niềm mong ước bấy lâu nay của bà con”, Thạc sĩ Chau Sốc Sann, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự.

Hiện trường đã tuyển được 465 học sinh (trong đó, có 395 học sinh Khmer) theo học 6 nghề trình độ trung cấp (tin học, sửa chữa - lắp ráp máy vi tính, điện công nghiệp, hàn, bảo vệ thực vật và cơ điện nông thôn) và dự định mở thêm nghề mới là trồng cây lương thực - thực phẩm. Mô hình này góp phần phân luồng học sinh, tạo ngành nghề phục vụ nông thôn,  cơ hội sớm tiếp cận ngành nghề, giải quyết công ăn việc làm, nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc.

Đến năm 2020, Trường trung cấp nghề DTNT An Giang sẽ nâng diện tích lên 50.000m², quy mô học sinh trung cấp nghề lên 2.000 em, ký túc xá từ 600 chỗ hiện nay lên 1.000 chỗ, xây dựng thêm 12 phòng học lý thuyết, lập nông trại thực nghiệm, nâng tổng số nghề đào tạo bậc trung cấp lên 14 nghề… Và trường sẽ có 200 cán bộ, giáo viên, công nhân viên và phấn đấu có 30% đạt trình độ thạc sĩ.

“Phải lấy con người tri thức làm bước chuyển nên đột phá từ giáo dục đào tạo được đưa vào Nghị quyết Huyện ủy. Bên cạnh đầu tư của tỉnh, huyện còn dành hẳn 25% ngân sách cho giáo dục đào tạo. Các trường đều dạy bằng giáo án điện tử, dành hàng chục tỷ đồng xây trường mới Cô Tô 2 cấp (THCS và THPT)…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí nhấn mạnh.  

3. Văn hóa Tri Tôn đa dạng, đặc sắc nhờ tính cộng cư đa dân tộc. Bà con Khmer sinh hoạt tại 36 chùa với 2 hệ phái. Bảo tồn bản sắc góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội. Gần đây, một số nhà nghiên cứu nước ngoài (Mỹ, Nhật) đã đến Tri Tôn tìm hiểu và nghiên cứu nghề gốm.

Điểm đáng chú ý trong kỹ thuật chế tác gốm của người Khmer Tri Tôn là không dùng kỹ thuật bàn xoay để tạo hình mà hoàn thiện sản phẩm gốm chỉ trên một mặt bàn nhỏ trong vườn. Đây là kỹ thuật làm gốm khá nguyên thủy còn bảo lưu ở một số ít dân cư các dân tộc ít người. Gốm nung có màu đỏ nhạt hoặc vàng sậm bung khắp các tỉnh Tây Nam bộ, sang tận Campuchia, cạnh tranh với đồ gốm Kông Pông Chnăng.

Tri Tôn đã tổ chức tọa đàm “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer Tri Tôn”, lập hồ sơ khoa học “Nghệ thuật Dù kê dân tộc Khmer Ô Lâm”, nâng cấp lễ hội đua bò Bảy Núi thành lễ hội cấp tỉnh, lập tủ sách cho các chùa Khmer, tăng thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer trên các đài huyện, tỉnh và đài truyền hình Trung ương (đóng tại Cần Thơ), xây dựng 11/13 lò hỏa táng trong năm 2012… Nhiều khu du lịch Soài So, Tà Pạ, Ô Tà Sóc, núi Tượng, núi Nước, nhà mồ Ba Chúc, đồi 2 triệu đô la (Tức Dụp)… đang được mời gọi đầu tư, nâng cấp.

Ngồi bên bờ ruộng, Thạch Sen ở xã Châu Lăng rủ rê: Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây (năm mới, chịu tuổi) đã đến. Đây là thời gian mùa màng đã gặt xong, bà con rảnh rang tha hồ vui chơi giải trí. Châu Lăng, xã đang xây dựng nông thôn mới có hơn 70% đồng bào Khmer vừa được đoàn cán bộ, y bác sĩ Cục An ninh Tây Nam Bộ và Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 300 trẻ em nghèo dân tộc Khmer. “Chol Chnam Thmây năm nào cũng vui nhưng năm nay chính quyền tổ chức hoành tráng hơn. Thanh niên đi làm ăn xa mấy cũng trở về dịp này”.

Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ IX năm 2013 do huyện Tri Tôn đăng cai, sẽ được tổ chức tại chùa Chi Kaeng (xã Châu Lăng) từ ngày  14-4 đến 16-4-2013, đúng vào dịp tết cổ truyền Chol Chnam Thmây. “Ngày đó phum sóc lại rộn ràng điệu Lâm Thon, giọng hát Dì Kê, trình diễn trang phục truyền thống, liên hoan ẩm thực và trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đội cá om lấy nước...”, Thạch Sen nhắc lại.

Năm 2012, trong vùng bà con dân tộc Khmer Nam bộ, bằng nhiều nguồn lực, các bộ ngành Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước (chương trình 135 giai đoạn II, các chính sách đặc thù…) đã tạo sự chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực.

Trong đó giải ngân được 110 tỷ đồng (chiếm 60% kế hoạch vốn) xây dựng kết cấu hạ tầng cho 125 xã và 162 ấp trong vùng đặc biệt khó khăn; xây mới 12.000 căn nhà cho hộ dân tộc Khmer nghèo, nâng tổng số lên 121.000 hộ được cấp nhà ở (chiếm 41% so tổng số hộ Khmer); hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo 65 tỷ đồng (tiền và hiện vật); phát vay sản xuất trên 10 tỷ đồng; thu hút hàng vạn bà con Khmer tham gia lao động trong các trang trại, khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ; xây dựng 36 lò hỏa táng (nâng tổng số lên 209 lò); tỷ lệ hộ Khmer sử dụng điện đạt hơn 83%, nước hợp vệ sinh trên 68% và mỗi năm giảm được 3% hộ nghèo (đến nay còn 30,6%)…

Vũ Thống Nhất

Tin cùng chuyên mục