Trì trệ làm khổ dân

Sự kiện chủ tịch UBND của 11 quận, huyện phải làm giải trình với UBND TPHCM về việc “chưa thực hiện đúng và đầy đủ sự chỉ đạo của TP trong việc thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật đang còn tồn đọng” là vấn đề được đông đảo người dân TP quan tâm. Mới bước vào năm mới, việc 11 vị đứng đầu chính quyền ở các quận 2, 5, 6, 8, 9, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi phải “họp kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm”, cho thấy UBND TPHCM đã quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, qua đó góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, nhanh chóng đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống.

Thời gian qua, TPHCM tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Nhưng bên cạnh những quận, huyện nghiêm túc thực hiện và có hiệu quả những quyết định của Trung ương và UBND TP, còn một số quận, huyện dường như vẫn “bình chân như vại”, hoặc chưa làm quyết liệt, từ đó gây khó khăn cho người dân.

Theo báo cáo của Thanh tra TP, nhiều quyết định đã có hiệu lực phải giải quyết dứt điểm ngay trong quý 1-2011, nhưng nay đã gần 1 năm trôi qua, nhiều quận, huyện vẫn chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ, nhiều nơi thực hiện không quá một nửa tổng số các quyết định mà UBND TP có yêu cầu. Thống kê các quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại đã có hiệu lực của UBND TP còn tồn từ 15-11-2009 trở về trước thì có tới 11/12 quận, huyện (trừ huyện Bình Chánh) chưa báo cáo hoặc báo cáo chưa đầy đủ theo chỉ đạo của UBND TP về vấn đề này.

Rõ ràng, việc trì trệ triển khai các quyết định hoặc chấp hành không nghiêm túc, đã tạo nên tình trạng thiếu đồng bộ, không thống nhất trong thực thi, chấp hành pháp luật, từ đó gây trở ngại, khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Điều đáng quan tâm, khi người dân chưa tin với việc thực thi ở cấp dưới và cho rằng cấp dưới giải quyết chậm, không đến nơi đến chốn hoặc thực hiện nửa vời, thì người dân gửi đơn thư vượt cấp. Về lâu dài, điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.

Trong tình hình hiện nay, việc chấp hành, thực thi đúng các quy định của pháp luật trở nên cấp thiết không chỉ đối với tổ chức, công dân trong xã hội mà còn ngay cả trong việc chấp hành kỷ luật nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tùy thuộc vào khả năng chấp hành, thực thi pháp luật của chính quyền địa phương mà cụ thể là của cán bộ, công chức, viên chức. Sự chỉ đạo của UBND TP đối với 11 chủ tịch UBND quận, huyện chính là nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính mà trước hết đòi hỏi sự tuân thủ kỷ luật nhà nước và gương mẫu chấp hành pháp luật của bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở các địa phương - như Bác Hồ từng nói: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”. Kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý yếu kém, pháp chế nhà nước không được tôn trọng và thực thi.

Có một thực tế, một số quận, huyện gặp vướng mắc trong tổ chức thực hiện những quyết định này, nhưng lại không báo cáo ngay lên UBND TP để xin ý kiến tháo gỡ. Đến khi người dân có đơn yêu cầu thực hiện quyết định hoặc Thanh tra TP ra văn bản đôn đốc thực hiện, các quận, huyện mới làm. Như vậy, không chỉ do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhất là tham mưu, giải quyết một số vụ còn “nhùng nhằng” và thiếu tính kỷ luật, kỷ cương hành chính, thì vấn đề cốt lõi, đó là đạo đức công vụ, là năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, viên chức chưa cao.

Trách nhiệm này trước hết thuộc về chủ tịch UBND các quận, huyện. Do vậy, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quyết định đã có hiệu lực chính là thiết lập lại kỷ cương, pháp lệnh hành chính thật sự nghiêm minh, góp phần tăng cường pháp chế nhà nước.

Tuấn Sơn

Tin cùng chuyên mục