Triển khai dạy - học tiếng Anh tiểu học: Cần 24.000 giáo viên tiếng Anh

Ngày 5-4, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 1400/QĐ-TTG về triển khai dạy - học tiếng Anh tiểu học” do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức. Tham dự có Sở GD-ĐT 26 tỉnh, TP khu vực phía Nam. Nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được các đại biểu đưa ra mổ xẻ tại hội thảo.

Sách vẫn còn “sạn”

Nhiều đại biểu băn khoăn chương trình dạy tiếng Anh tiểu học bắt đầu triển khai thí điểm từ năm học 2010 nhưng các sở GD-ĐT địa phương vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện về tập huấn giáo viên (GV), phương pháp thực hiện cũng như chương trình, thiết bị hỗ trợ…

Ông Nguyễn Cao Phúc, chuyên viên môn tiếng Anh Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Chúng ta cần kiểm tra và chọn các loại sách thật chuẩn để giảng dạy. Hiện nhiều đầu sách còn lỗi, nhiều sạn. Kể cả sách của Bộ GD-ĐT dành cho giáo viên như “Phương pháp giảng dạy tiếng Anh tiểu học” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều điểm chưa chuẩn.

Sách dành cho học sinh có cách trình bày chưa sinh động, màu sắc chưa đẹp, chưa tương thích nội dung giữa sách và CD; từ đầu đến cuối CD chỉ có một giọng đọc gây nhàm chán… Những điều này cần phải được nghiên cứu, chỉnh sửa lại”.
 
Ông Nguyễn Quý Thao, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: Việc soạn thảo chương trình và sách giáo khoa được đảm bảo, đáp ứng tiêu chí của các tổ chức kiểm định, đánh giá ngoài. Hội đồng biên soạn tập hợp những chuyên gia về ngôn ngữ, tiếng Anh và chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản biên tập. Vì đang trong giai đoạn thí điểm nên chắc chắn sách còn có những lỗi cần chỉnh sửa, chúng tôi vẫn tiếp tục lắng nghe và hoàn thiện dần.
ThS Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ kinh nghiệm: TPHCM là nơi tiên phong dạy tiếng Anh 8 tiết/tuần nên gặp không ít khó khăn khi chủ trương từ trên chưa có, năm nào Sở GD-ĐT cũng phải làm tờ trình báo cáo vì sự “xé rào” này. Giải pháp mà TPHCM áp dụng chính là giảm sĩ số trong giờ học tiếng Anh, mỗi lớp chỉ khoảng trên dưới 20 học sinh. Từ năm 2000 đến nay, TPHCM có biên chế dành cho GV dạy tiếng Anh và đang xin cơ chế để GV tiếng Anh tăng cường có thể dạy 16 tiết/tuần vì để có 1 buổi lên lớp đúng nghĩa theo chương trình chuẩn, GV phải mất 2 tiết chuẩn bị bài giảng. Chúng ta phải giữ chân GV tiếng Anh vì với trình độ ngoại ngữ thì họ có thể ra ngoài làm với thu nhập rất cao. Đề án dạy và học tiếng Anh tăng cường ở TPHCM trong 10 năm sẽ đi theo 3 lộ trình: theo chương trình chuẩn của bộ; chương trình tiếng Anh tăng cường và dạy tiếng Anh tại các trung tâm văn hóa ngoài giờ.

Cần được hỗ trợ

Bà Thái Thị Phương Thủy, chuyên viên Sở GD-ĐT Trà Vinh lo lắng: Những tỉnh nghèo, khó khăn về cơ sở vật chất cần được hỗ trợ về nhiều mặt từ thiết bị đến đội ngũ GV. TPHCM, Hà Nội có thể cho GV học thực tế tại các nước bản địa 3 năm 1 lần nhưng với các tỉnh ĐBSCL đó là điều không tưởng. Vì vậy, chúng tôi cần được hỗ trợ thông tin, học tập kinh nghiệm.
 
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Thường trực Ban chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ quốc gia, cho biết: Trong đề án có dành kinh phí cho chương trình đưa cán bộ phụ trách đi học tập ở nước ngoài. Đây là đề án dài hạn do đó đề nghị các địa phương lập danh sách cán bộ phụ trách tiếng Anh để được hỗ trợ.

Để thực hiện đề án, cả nước cần đến 24.000 GV tiếng Anh tiểu học, vậy nguồn tuyển ở đâu? Chưa tính đến yếu tố đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo đủ số lượng GV đứng lớp đã là vấn đề lớn. Phần lớn GV đã “lạc hậu” không còn nghe nói tiếng Anh tốt như trước, phải đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu mới.

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết, sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường sư phạm mở mã ngành đào tạo GV tiếng Anh, các tỉnh phải nâng cấp đầu tư cho các trường sư phạm. Đối với sinh viên tốt nghiệp cao đẳng chưa có việc làm, khuyến khích các em học thêm một số học phần về nghiệp vụ sư phạm để làm GV; đối với những sinh viên đang học ngoại ngữ năm thứ 2, nên động viên các em theo hướng vào sư phạm.

LÊ LINH - TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục