Triển khai thực hiện 2 Nghị định của Chính phủ về quản lý phát triển đô thị và quản lý chất lượng công trình xây dựng: Giải pháp phát triển đô thị văn minh, hiện đại

Triển khai thực hiện 2 Nghị định của Chính phủ về quản lý phát triển đô thị và quản lý chất lượng công trình xây dựng: Giải pháp phát triển đô thị văn minh, hiện đại

Trong 2  ngày 14-5-2013 (tại Hà Nội) và 17-5-2013 (tại TPHCM), Bộ Xây dựng  tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị (có hiệu lực từ 1-3-2013)  và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15-4-2013). Đây là 2 Nghị định có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý phát triển đô thị và quản lý chất lượng công trình xây dựng. Chúng  tôi xin giới thiệu bài phát biểu (lược trích) dưới đây của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh).

Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị Công tác phát triển đô thị luôn được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm của ngành xây dựng. Trong những năm vừa qua, với chính sách đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội đất nước, hệ thống các đô thị Việt Nam đã phát triển nhanh chóng về cả số lượng, chất lượng và quy mô. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP của Việt Nam. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tốc độ đô thị hóa quá nhanh tại một số đô thị trung tâm cũng đồng thời tạo nhiều sức ép cho môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội, hình thành những thách thức mới cho công tác quản lý phát triển đô thị.

Thực trạng phát triển trong thời gian vừa qua đã cho thấy những thiếu sót lớn còn tồn tại trong công tác quản lý. Tại nhiều địa phương công tác quản lý phát triển đô thị còn thiếu thống nhất, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ, môi trường đô thị còn ô nhiễm. Nhiều dự án đô thị phát triển mang tính tự phát thiếu quy hoạch và kế hoạch, ảnh hưởng tới diện mạo đô thị và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Tình trạng lãng phí đất đai trong các đô thị chưa được khắc phục, hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của các đô thị.

Để chấn chỉnh các vướng mắc bất cập nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị để thay thế Nghị định 02/2006/NĐ-CP ngày 5-1-2006. Ngày 14-1-2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị (gọi tắt là Nghị định 11).

Nghị định 11 cũng lần đầu tiên quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phải thực hiện công tác đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch. Đây chính là công cụ cốt lõi để kiểm soát quá trình phát triển đô thị, hạn chế các dự án thực hiện tràn lan không theo nhu cầu và khả năng của nền kinh tế như đã diễn ra trước đây. Chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm về việc thực hiện công tác đầu tư xây dựng theo kế hoạch do chính mình đề xuất. Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm trong việc thực hiện công tác kết nối, hỗ trợ chủ đầu tư (thông qua hoạt động của Ban quản lý khu vực phát triển đô thị), phối hợp trong công tác quản lý hành chính và an ninh trật tự tại các khu vực dự án.

Với các quy định rõ ràng chặt chẽ trong Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quy trình thực hiện công tác đầu tư phát triển đô thị cũng như làm rõ trách nhiệm của từng bên có liên quan trong quá trình triển khai từng dự án cụ thể, việc phát triển đô thị tràn lan, không đồng bộ sẽ dần được kiểm soát và hạn chế tối đa. Bên cạnh đó thông qua các quy định trong Nghị định, doanh nghiệp và người dân sẽ thực hiện công tác đầu tư hoặc giám sát quá trình đầu tư để yêu cầu các cơ quan có liên quan phải thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi của người dân.

Nghị định 11/2013/NĐ-CP là một sự thay đổi lớn về tư duy quản lý trong lĩnh vực phát triển đô thị, trong đó có quy định về những công việc hoàn toàn mới. Vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, Bộ Xây dựng hiện đang xây dựng một thông tư hướng dẫn chi tiết cho các nội dung của Nghị định và dự kiến ban hành Thông tư trong tháng 6 tới.
Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng

Như chúng ta đã biết, ngày 6-2-2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng do Bộ Xây dựng soạn thảo và trình Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2013. Nghị định 15/2013/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động xây dựng, phù hợp với quan điểm và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như của ngành xây dựng.

Theo số liệu thống kê, hiện nay vốn đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vì vậy công tác quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn Ngân sách nhà nước.

Chúng ta đều biết, trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các dự án đầu tư xây dựng chủ yếu sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vì thế cơ chế chính sách quản lý đầu tư xây dựng kiểm soát rất chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc “tiền kiểm” của các cơ quan quản lý nhà nước. Bước sang thời kỳ đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng được điều chỉnh dần theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhằm để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước và trên thực tế đã phát huy hiệu quả, thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, do chúng ta quá coi trọng yếu tố thị trường, không phân biệt nguồn vốn nhà nước và các nguồn vốn ngoài nhà nước để có biện pháp quản lý phù hợp, nên đã phân giao quá nhiều quyền hạn cho chủ đầu tư, làm mờ nhạt vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Chính điều này, cùng với sự hạn chế về năng lực của các chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đã dành nhiều thời gian soạn thảo, lấy ý kiến của các Bộ, Ngành, địa phương, các chuyên gia, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 6-2-2013 về Quản lý chất lượng công trình, với đổi mới căn bản là quy định rõ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải có trách nhiệm kiểm soát về chất lượng công trình và chi phí xây dựng ngay từ giai đoạn đầu, “tiền kiểm”, thông qua việc thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán (với công trình có sử dụng vốn ngân sách) - những việc mà trước đây đều do chủ đầu tư thực hiện; đồng thời làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong việc đảm bảo chất lượng công trình.

 S.Nâu (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục