Triết lý kinh doanh xanh của doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều nhãn hàng tại Việt Nam bắt đầu quan tâm đến trào lưu kinh doanh “xanh” đang phổ biến trên thế giới với các ưu điểm thân thiện với người tiêu dùng và quan tâm đến môi trường.

Những thành công của thương hiệu Vfresh thuộc Vinamilk trong thời gian gần đây có thể xem là một hình mẫu cho chiến lược kinh doanh này. Với những tiêu chuẩn khắc khe về chất lượng sản phẩm cùng nguồn nguyên liệu nguyên chất từ thiên nhiên, nhiều năm nay những dòng sản phẩm thức uống đa dạng của Vfresh luôn chiếm được lòng tin của khách hàng khi đặt tiêu chí mang lại giá trị tốt nhất cho sức khỏe lên hàng đầu. Không chỉ dẫn đầu về chất lượng, Vfresh còn được xem như một trong những “thương hiệu xanh” hàng đầu Việt Nam với hình ảnh, yếu tố thương hiệu gần gũi với tự nhiên, cũng như phương thức tiếp cận trong kinh doanh rất sáng tạo, nhằm chu toàn ích lợi chăm sóc môi trường sống của cộng đồng.

Nhiều hoạt động do Vfresh khởi xướng luôn được đánh giá cao vì mang thông điệp đề cao những điều thật nhất từ thiên nhiên, quan tâm trực tiếp đến tinh thần và sức khỏe người tiêu dùng. Trong tình trạng khí hậu toàn cầu có nhiều chuyển biến hiện nay, kinh doanh xanh là phương thức hiện đại đang được nhiều doanh nghiệp lớn ưa chuộng như một triết lý mới. Ở Việt Nam, quỹ “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” mà Vfresh đang thực hiện được đánh giá là một ý tưởng sáng tạo mang thông điệp và hành động ý nghĩa cho việc bảo việc môi trường. Cứ mỗi sản phẩm được tiêu thụ, Vfresh đều đóng góp 50 đồng để cùng góp sức trồng cây xanh, cải tạo môi trường sống cho người dân Việt Nam.

M.B

Hi-tech Agro 2012: “sân chơi” mới cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Từ ngày 24 đến ngày 28-10, tại công viên Lê Văn Tám, Q.1, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) sẽ tổ chức “Hội chợ Quốc tế Nông nghiệp Công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm TPHCM 2012”. Hội chợ lần này, lãnh đạo thành phố và ITPC kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp của TPHCM và các tỉnh thành tiếp cận và nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giới thiệu và đưa công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất và cuộc sống, cũng như tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm thông tin giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm.

Bên cạnh diễn ra hội chợ còn có chương trình hội thảo và tư vấn kỹ thuật trong khuôn khổ Hi-Tech Agro 2012 sẽ mang lại các kiến thức cần thiết về các loại cây, con giống mới nhất trên thế giới, các kỹ thuật mới nhất trong công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm được áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay. Ngoài ra, hội chợ còn có các cuộc thi về sinh vật cảnh, các cuộc đấu xảo cùng các trò chơi vận động mang đậm tính dân gian và chương trình biểu diễn nghệ thuật hàng đêm.

T.H

Hội thi tiểu phẩm tuyên truyền bảo vệ môi trường

Ngày 17-10, tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức Hội thi Tiểu phẩm tuyên truyền về bảo vệ môi trường cấp thành phố năm 2012 dành cho cộng đồng dân cư. Đến với hội thi, 24 đội thi đại diện cho 24 quận huyện trên toàn địa bàn thành phố sẽ tham gia trình diễn các tiểu phẩm tuyên truyền về hiện trạng, tác hại của ô nhiễm môi trường, giải pháp bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư,... gắn với các tình huống đời thường, gần gũi với người dân; thông qua những tiểu phẩm đó, nhằm khuyến khích cộng đồng dân cư tìm hiểu, tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Hội thi tiểu phẩm tuyên truyền về bảo vệ môi trường là một hình thức hoạt động văn hóa - văn nghệ nhằm đưa nội dung bảo vệ môi trường đến với cộng đồng dân cư một cách sinh động và dễ hiểu. Hội thi cũng là cơ hội để những người quan tâm và có tâm huyết với công tác bảo vệ môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tại địa phương cũng như tạo sự đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường.

M.T

Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức buổi hội thảo góp ý cho Dự thảo “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thập niên 2010 - 2020 được quốc tế ghi nhận là thập niên của Đa dạng sinh học (ĐDSH). Cộng đồng thế giới đã cam kết thực hiện các mục tiêu chiến lược về ĐDSH của toàn cầu đến năm 2020, bao gồm 20 mục tiêu đã được thông qua tại hội nghị các bên tham gia Công ước ĐDSH lần thứ 10 tại Nagoya, Nhật Bản năm 2010 nhằm giảm tốc độ mất ĐDSH trên hành tinh của chúng ta.

Theo báo cáo, Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có ĐDSH cao của thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú và đặc hữu. ĐDSH ở Việt Nam có ý nghĩa to lớn, các hệ sinh thái với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn dược liệu, thực phẩm. Ngoài ra, các hệ sinh thái còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường.

Để triển khai thực hiện Luật Đa dạng sinh học 2008, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực ĐDSH xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

H.Q

Xu hướng phát triển xanh

Trước những bất ổn và thách thức toàn cầu mà nhân loại đang đối mặt, thì xu hướng phát triển xanh sẽ mở ra hướng tiếp cận mới và bền vững cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm đói nghèo, biến đổi khí hậu và kiểm soát ô nhiễm môi trường… Phát triển xanh đang là chủ đề được nhiều học giả, các nhà kinh tế bàn luận nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và các nước đang “sôi sục” định hướng lại chiến lược phát triển của mình thông qua các kế hoạch tái cơ cấu/cấu trúc nền kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Nhiều chuyên gia cũng đã nhận định, Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì việc xây dựng và phát triển các đô thị và công nghiệp bền vững có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự bền vững, bởi vì dân số đô thị ngày càng chiếm tỉ lệ cao, các hoạt động kinh tế-xã hội ngày càng tập trung trong các đô thị và khu công nghiệp.

Việc xây dựng và phát triển các đô thị và khu công nghiệp bền vững sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết liệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Có thể nhận thấy, việc áp dụng SXSH trong 10 năm qua ở nước ta đã mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng do hiệu quả sản xuất được nâng cao thông qua sử dụng hiệu quả hơn nguyên vật liệu, năng lượng, nước để giảm đáng kể lượng chất thải và các chất ô nhiễm cần xử lý, cải thiện môi trường lao động và quan trọng hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

H.K

Tin cùng chuyên mục