Trong kinh tế thị trường ở nước ta, bóng ma “lợi ích nhóm”, không hiện hình, không chính danh nhưng luôn tồn tại và phát huy ma lực. Trong điều kiện đa sở hữu, đa thành phần kinh tế, sự xuất hiện của lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ của ngành kinh tế, của địa phương, của các thành phần kinh tế và tầng lớp xã hội là một hiện tượng khách quan. Và cũng tất nhiên, các nhóm lợi ích này tìm cách đấu tranh để tăng sức cạnh tranh để đạt lợi ích tối đa cho nhóm của mình.
Trong kinh tế thị trường, tài nguyên và nguồn lực luôn hữu hạn và ngày càng hiếm hoi, cuộc cạnh tranh, đấu tranh của những nhóm lợi ích ngày càng quyết liệt. Việc các nhóm lợi ích luôn tìm cách chi phối chính sách và quản lý điều hành của nhà nước (lobby) để giành lợi thế cho nhóm của mình cũng là hiện tượng tự nhiên.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhóm lợi ích lành mạnh, tuân thủ luật pháp, có những nhóm lợi ích xấu, luôn tìm cách gia tăng lợi ích tối đa cho mình bằng những phương cách không chính đáng, kể cả phương cách phạm pháp. Trong các biện pháp, chiến thuật, sách lược của mình, các nhóm lợi ích xấu thường sử dụng quan hệ cánh hẩu, quan hệ thân thuộc và quan hệ tham nhũng. Việc sử dụng này, do không bị nghiêm trị, đã trở thành chủ yếu, thường xuyên và phổ biến.
Theo thông tin từ các báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và bộ, ngành hữu quan, nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã được phân bổ những nguồn vốn quốc gia một cách thuận lợi, số lượng lớn, nhưng đã sử dụng tùy tiện, hiệu quả kém, thất thoát, gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng, mắc nợ hàng trăm ngàn tỷ đồng. Không ít đất đai, khoáng sản, rừng, biển, sông, hồ thuộc sở hữu toàn dân thực tế đã trở thành tài sản riêng của cá nhân hay doanh nghiệp, bị khai thác theo kiểu tận diệt, hủy hoại môi trường sinh thái, hoặc bỏ hoang hóa. Hàng triệu hécta đất dự án treo, có trường hợp treo đến 20 năm, làm cho cuộc sống hàng triệu đồng bào ở nông thôn và thành thị bị đình trệ, đảo lộn, thậm chí bế tắc.
Trong lĩnh vực ngân hàng, vốn huy động của dân đã bị rót cho những dự án được thổi phồng, những công ty sân sau một cách dễ dãi và số lượng lớn, để lại những món nợ xấu khổng lồ, làm khô kiệt và ách tắc thanh khoản vốn không dồi dào và càng hiếm hoi khi khủng hoảng kinh tế, gây mất niềm tin trong xã hội, khiến người dân quay trở lại dự trữ tiền mặt, vàng và tài sản khác. Những hiện tượng tiêu cực trên đây đã diễn ra nhiều năm, nhưng việc xử lý không kịp thời hoặc không nghiêm minh, khiến nhân dân và không ít cán bộ, công chức cho rằng những nhóm lợi ích xấu đã chi phối đến mức vai trò trọng tài khách quan, công bằng của nhà nước trong nhiều trường hợp đã bị vô hiệu.
Phải giải quyết bài toán lợi ích nhóm ngay từ khi làm chính sách và trong suốt quá trình quản lý, điều hành nền kinh tế. Phải triệt tiêu các nhóm lợi ích xấu, vì đó là giải pháp của giải pháp, là bảo đảm cho thành công của những chủ trương, biện pháp đúng. Muốn vậy, có những việc không thể không làm: Phải kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức đã ra quyết định hay trực tiếp thực hiện những chủ trương, biện pháp sai lầm, tạo ra tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước trong các tập đoàn Vinashin, Vinalines, Sông Đà và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng tài chính mà thanh tra, kiểm toán hay cơ quan điều tra đã phát hiện và phải công bố việc xử lý ấy.
Qua xử lý sai phạm, phải điều chuyển và bố trí lại nhân sự để cắt đứt các mối liên hệ hiện hữu giữa các quan chức thoái hóa với các nhóm lợi ích xấu, công việc này tất nhiên cần sự can thiệp của cơ quan đảng và nhà nước có thẩm quyền.
Các giải pháp, chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đề xuất với Quốc hội, hoặc triển khai thực hiện đều phải có đề án, kế hoạch cụ thể, chi tiết, có người chịu trách nhiệm rõ ràng và công khai trên báo chí. Trong các ban chỉ đạo, ban điều hành của Chính phủ, cần cơ cấu các nhà khoa học, chuyên gia độc lập và đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò, quy chế phản biện xã hội, giám sát xã hội. Phải tạo chuyển biến mang tính đột phá cả về tổ chức lẫn phương thức hoạt động trong phòng chống tham nhũng, vì tham nhũng vừa là phương tiện vừa là mục đích của các nhóm lợi ích xấu.
Trương Trọng Nghĩa
(Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM)