* Hỏi: - Tôi tham gia cách mạng từ năm 1963 - 1973, hiện là thương binh 4/4. Sau đó, tôi chuyển công tác sang Ban Cải tạo nông nghiệp huyện Củ Chi (TPHCM) và làm đến năm 1982 thì nghỉ (làm việc liên tục 19 năm 8 tháng), theo diện mất sức với tỷ lệ 61%, được hưởng chế độ như thương binh. Từ đó đến nay, tôi chỉ được lãnh trợ cấp mất sức (hiện là 1.573.000 đồng/tháng), không được hưởng tiền thương binh, không được tham quan du lịch, nghỉ mát. Trường hợp của tôi có được chuyển sang lãnh chế độ hưu trí?
VÕ THANH HÒA (huyện Củ Chi, TPHCM)
- Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM trả lời:
Đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động, đồng thời là thương binh, nếu đủ điều kiện và có giấy tờ theo quy định tại Điều 23 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB-XH, thì được giải quyết thêm trợ cấp thương binh.
Cụ thể, có thời gian công tác thực tế được hưởng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên; nếu chưa đủ 20 năm công tác thực tế, nhưng trong đó có đủ 15 năm công tác thực tế phục vụ trong quân đội, công an; hoặc nghỉ việc hưởng chế độ mất sức lao động theo Nghị quyết 16-HĐBT ngày 8-2-1982 của Hội đồng Bộ trưởng (là người nghỉ hưởng mất sức lao động không qua giám định); hoặc có biên bản giám định tách riêng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật và tỷ lệ thương tật, trong đó tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật từ 61% trở lên.
Căn cứ kết luận của Hội đồng Giám định y khoa TPHCM tại Biên bản giám định khả năng lao động ngày 15-7-1982, tỷ lệ mất sức lao động của ông Hòa là 61%, trong đó đã tính gộp tỷ lệ mất sức lao động thương binh hạng 2/8. Như vậy, ông Hòa không thuộc trường hợp được hưởng thêm chế độ trợ cấp thương binh hàng tháng. Tuy nhiên, ông Hòa vẫn được hưởng các chế độ ưu đãi khác của thương binh như: chế độ điều dưỡng 2 năm/lần, được xem xét hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định đối với thương binh. Về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, theo quy định, là người khi nghỉ việc nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và đủ điều kiện về tuổi đời.