Thời gian gần đây, các phường - xã ở TPHCM dồn sức cho công tác giảm nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2013 toàn TPHCM giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% trên tổng hộ dân, không còn hộ có thu nhập dưới 8 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra rất nhiều thách thức khi tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều địa phương hiện nay còn khá cao; riêng 21 phường - xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm từ 10% - 30% trong tổng số hộ dân.
Chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá” (giai đoạn 2009 - 2015) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2015. Việc TPHCM kéo tỷ lệ hộ nghèo từ 8,4% năm 2009 xuống 2,12% vào cuối năm 2012 là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Bước sang năm 2013, trong bối cảnh kinh tế cả nước và TPHCM gặp nhiều khó khăn, nhưng TPHCM vẫn tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt bảo đảm an sinh xã hội và công tác giảm hộ nghèo, tăng hộ khá.
Từ đầu năm đến nay, TPHCM tập trung rà soát từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, phân loại theo từng nhóm đối tượng để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; tiếp tục huy động và sử dụng hợp lý các nguồn vốn ưu đãi để giúp hộ nghèo vay vốn; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý và các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo…
Thực tế tại nhiều địa phương, việc giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo luôn rình rập. Với mức chuẩn nghèo TP hiện đang áp dụng, nếu so với giá cả thị trường đắt đỏ như TPHCM thì chỉ cần người vừa thoát nghèo mắc bệnh phải điều trị dài ngày, hay bất ngờ gặp rủi ro trong làm ăn buôn bán là bỗng chốc họ trở thành người nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội chưa cao, trong khi đó, cán bộ đoàn thể còn ngán ngại khi phải đứng ra giới thiệu, bảo lãnh cho người nghèo vay vốn, vì thấy bộ phận người nghèo chưa thật sự cố gắng thoát nghèo và khó khăn trong việc thu hồi vốn.
Bản thân chính sách xã hội cũng có hai mặt. Nhiều chính sách gần như “cho không”, vô hình trung làm cho bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách ưu đãi của nhà nước, mong hưởng thụ nhiều hơn là tự lực vượt khó. Thành ra mới có chuyện, nhiều người nghèo vừa được phường - xã ở TPHCM đưa ra khỏi danh sách nghèo, đã làm đơn xin chính quyền cho phép trở thành người nghèo để được hưởng các chính sách ưu tiên!
Hiện nay, người nghèo nhận được sự trợ giúp của khoảng 30 loại chính sách khác nhau, trong khi người cận nghèo chỉ được hưởng ưu đãi một vài chính sách. Hệ quả là người cận nghèo không đủ sức, đủ lực để thoát nghèo bền vững trong giai đoạn kế tiếp. Do vậy, mở rộng và thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, năm sau khó khăn hơn năm trước. Ngoài ra, cần quy định cụ thể thời gian hỗ trợ chính sách với hộ nghèo, để bảo đảm công bằng trong thực hiện chính sách…
Một nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho hộ nghèo, cận nghèo nhằm khơi dậy tính tự lực tự cường, nâng cao ý chí phấn đấu để vươn lên thoát nghèo đi đôi với sự giúp đỡ, động viên, giám sát kịp thời của các cấp chính quyền, đoàn thể. Những năm qua, TPHCM rất chú trọng đến công tác dạy nghề cho người nghèo, coi đây là giải pháp căn cơ để thoát nghèo bền vững.
Song vì nhiều lý do khác nhau, người nghèo chưa hứng thú học nghề. Chính vì hạn chế trình độ học vấn, tay nghề và không có phương án làm ăn hiệu quả, nên nhiều hộ nghèo không dám vay tiền để làm ăn. Chúng ta có chủ trương “Trao cần câu, chứ không nên trao con cá”, nhưng khi người câu cá cả năm không câu được con cá nào, thậm chí nhiều lần làm mất cả cần câu thì phải xem xét lại cách giúp người nghèo.
Hiện nay, TPHCM còn 2 huyện chưa hoàn thành giảm nghèo giai đoạn 3 vào năm 2013 là huyện Cần Giờ (hiện hộ nghèo chiếm tới 25% tổng số hộ dân), Củ Chi (7,9%). Cuối năm 2013, dù tăng tốc tối đa, dự kiến huyện Cần Giờ vẫn còn 17% hộ dân là hộ nghèo, Củ Chi hơn 3%.
Đối với 52 phường - xã (trong đó có 21 phường xã khó khăn) gần như chắc chắn không đạt chỉ tiêu cơ bản không còn hộ nghèo. Chúng ta đặt ra mục tiêu giảm nghèo (dù không mang tính bắt buộc) là cần thiết, nhưng mục đích cuối cùng là làm sao giảm nghèo bền vững. Do vậy, các địa phương cần tiếp tục quán triệt, coi nhiệm vụ thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là nội dung, mục tiêu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là trách nhiệm của mọi người dân.
TUẤN SƠN