Sau gần 50 năm lưu lạc, “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân (quê Hòa Khương, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã trở về trong vòng tay yêu thương của con cháu. Hành trình trở về quê hương, đoàn tụ gia đình của “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân đầy nước mắt...
1. Bà Nguyễn Thị Ân sinh năm 1945, tại xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Vào tháng 5-1964, bà Ân thoát ly gia đình và tham gia, công tác tại Ban Lương thực K600 tỉnh Quảng Đà, đóng quân ở khu vực Đồng Xanh - Đồng Nghệ (thuộc xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà). Cuối năm 1965, chiến tranh ngày càng ác liệt, các cơ sở cách mạng phải chuyển lên núi hoạt động. Tháng 11-1968, bà làm hộ lý tại Bệnh xá C20 cánh Trung, mặt trận 4 Quảng Đà. Do sức ép của bom đạn, sức khỏe yếu nên đơn vị đưa bà Ân ra Vĩnh Phú học tập tại Trường Văn hóa Thương binh 1. Tại đây, bà Ân hay tin cha mẹ mất, anh trai và em gái hy sinh. Tin dữ dồn dập khiến bà Ân sốc quá nên hóa điên và mất khả năng nhận biết từ đó.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, không thấy bà Ân trở về, gia đình tìm hỏi những người cùng đơn vị với bà nhưng không ai biết tin. Vô vọng, gia đình nghĩ bà hy sinh ở chiến trường nên lập bàn thờ và lấy ngày 27-7 hàng năm làm ngày giỗ cho bà. Năm 2006, Chính phủ trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Thị Ân.
2. Tháng 5-2015, ông Nguyễn Ba (trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vào Nam để tìm kiếm người anh trai thất lạc thì được Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (thuộc Bộ LĐTB-XH đóng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trung tâm có tiếp nhận một thương binh tên Nguyễn Thị Ân (sinh năm 1942, quê quán thôn Gò Hà, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà) từ miền Bắc chuyển vào từ năm 2004 nhưng không có người thân. Sức khỏe bà Ân rất yếu, mất khả năng nhận biết người xung quanh, không nói được. Biết ông Ba là người Quảng Nam, trung tâm nhờ ông về quê tìm giúp người thân của bà Ân. Với những thông tin ít ỏi về bà Ân, ông Ba tìm về xã Hòa Khương để dò hỏi tin tức.
Ngày 29-6, sau nhiều ngày tìm kiếm, ông Nguyễn Ba đã tìm được người thân của bà Ân ở xã Hòa Khương và báo tin bà Ân vẫn còn sống khiến cả gia đình bất ngờ và xúc động vô cùng.
Nhận được thông tin từ ông Ba, bà Lê Thị Phán, chị dâu bà Ân, liền gọi điện thoại cho con trai là anh Nguyễn Nhứt (53 tuổi, cháu gọi bà Ân bằng cô ruột, đang làm việc ở bên Lào) sắp xếp công việc về nước và cùng những người trong họ tộc đón xe vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tìm kiếm bà Ân.
Chiều 3-7, anh Nhứt và gia đình đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất để nhận bà Ân. Gặp lại sau 47 năm, cả gia đình òa khóc khi thấy bà Ân ngồi trên chiếc xe lăn trong vô thức. Dẫu gần 50 năm mới gặp lại em chồng nhưng bà Lê Thị Phán vẫn nhận ra khuôn mặt của bà Ân. Không thể ai khác, đây là “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân mà gia đình đã thờ cúng mấy chục năm qua.
Bà Lê Thị Phán (chị dâu bà Nguyễn Thị Ân) chăm sóc bà Ân bên giường bệnh.
3. Căn nhà cấp 4 ọp ẹp của gia đình bà Lê Thị Phán (thôn Hương Lam, xã Hòa Khương) mấy ngày qua nhộn nhịp hẳn lên. Nghe tin “liệt sĩ” Ân trở về, bà con trong họ tộc, hàng xóm và chính quyền địa phương đến thăm. Mấy chục năm gặp lại, mừng mừng tủi tủi. Bà con, hàng xóm đến thăm, bà Ân chỉ ngồi trên chiếc xe lăn. Không nói, không cười nhưng trên khuôn mặt khắc khổ của bà Ân nước mắt cứ trào ra. Có lẽ, bà Ân cảm nhận được tình yêu thương của quê hương, của gia đình, bà con họ tộc và chòm xóm.
Anh Nguyễn Nhứt, cháu trai duy nhất của bà Ân nói trong nước mắt: “Mấy chục năm tìm kiếm trong vô vọng, gia đình tôi lập bàn thờ, thờ cúng cô nhưng vẫn nghe ngóng, thông tin về cô. Nguyện vọng của gia đình là tìm kiếm được mộ của cô để đưa về quê hương. Vậy mà nay, gia đình chúng tôi đã tìm được cô, bằng xương bằng thịt. Gia đình khó khăn nên tôi phải tha phương cầu thực, nhưng khi nhận được tin báo cô còn sống, tức tốc tôi đón xe về quê để cùng họ tộc vào Nam đón cô về. Gia đình tôi quá có phúc khi tìm được cô sau gần 50 năm thất lạc”.
Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết, sau khi nhận được tin “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân còn sống và được gia đình đưa về chăm sóc, chính quyền và các đoàn thể của địa phương đã đến thăm hỏi, chia vui cùng gia đình, đồng thời, hướng dẫn gia đình làm đơn trình bày sự việc gửi UBND xã, nộp lại bằng Tổ quốc ghi công để địa phương có cơ sở báo cáo cấp trên giải quyết các bước tiếp theo.
Được tin “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân trở về sau hành trình xuôi ngược Bắc - Trung - Nam gần 50 năm, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đồng thời cũng là hàng xóm của bà Ân, đã đến tận nhà thăm bà Ân và chia vui cùng gia đình. Ông Trần Thọ quyết định hỗ trợ cho gia đình 60 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà cửa để tri ân, bù đắp những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra cho gia đình và sự hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của bà Nguyễn Thị Ân.
NGUYÊN KHÔI - HUY ĐẠT