Những ngày vừa qua, thông tin Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú - doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ ở Cà Mau rao bán, chuyển nhượng dự án khiến giới nông nghiệp ở ĐBSCL bất ngờ lẫn tiếc nuối. Vì sao một doanh nghiệp dốc tiền, dốc sức suốt 15 năm để sản xuất ra sản phẩm hữu cơ - xu thế tiêu dùng mới của thế giới - với thương hiệu Hoasuafoods đã được Mỹ và châu Âu cấp giấy chứng nhận toàn cầu, lại phải ngậm ngùi chia tay với niềm đam mê của mình là một câu hỏi thật khó trả lời. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính, như các chuyên gia từng bàn thảo, là chính sách đối với lĩnh vực này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Manh nha từ cuối những năm 1990, đến nay sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn bởi vì gặp không ít khó khăn. Trở ngại đầu tiên khi xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ chính là nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua đã khiến một bộ phận người sản xuất không đủ kiên định để bỏ thói quen đó và hướng tới nền nông nghiệp an toàn. Chính vì thế, hiện nay số lượng doanh nghiệp sản xuất hữu cơ có khả năng xuất khẩu chỉ… đếm trên đầu ngón tay.
Người ta có thể nhẩm tính: Đà Lạt có doanh nghiệp Organik của TS Nguyễn Bá Hùng, chuyên sản xuất rau sạch, rau ăn liền; Đồng Nai có rau nhiệt đới của Organica; Hòa Bình có heo hữu cơ của trang trại Nguyễn Đại Thắng và Cà Mau có gạo hữu cơ của ông Võ Minh Khải… Tuy có nhiều ưu điểm, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng tồn tại không ít khó khăn khi trồng cây hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ nên mất nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng, dẫn đến giá thành sản phẩm hữu cơ cao gấp 2-3 lần bình thường. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ gặp nhiều khó khăn vì người tiêu dùng không nhận biết được đâu là sản phẩm hữu cơ và đâu là sản phẩm thường.
Việc sản xuất ra một sản phẩm đúng nghĩa hữu cơ là một quá trình khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết nhiệt đới, sâu bệnh thường xuyên xuất hiện như ở Việt Nam. Hiện nay nước ta có khoảng 23.400ha đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm khoảng 0,2% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Khánh, chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ và quan trọng là người tiêu dùng cũng không nhận biết được sự khác biệt của các sản phẩm này nên đầu ra còn gặp khó khăn. Chính vì vậy để phát triển nông nghiệp hữu cơ cần phải rà soát lại những khu vực đất chưa bị ô nhiễm, xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cho đối tượng doanh nghiệp này, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt là hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ hợp lý.
Theo các chuyên gia, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước hai thách thức lớn, đó là biến đổi khí hậu và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như biến đổi khí hậu chỉ có thể đẩy Việt Nam vào tình thế phải tiến hành ngay nền nông nghiệp chống biến đổi khí hậu, mà cốt lõi là thay đổi cơ cấu cây trồng và phương pháp canh tác phù hợp với hạn, mặn hay lũ lụt, thì vấn đề thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, không chỉ phá hủy môi trường mà còn đầu độc sức khỏe nhiều thế hệ. Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp như thuốc trừ sâu trong trồng trọt; chất kích thích tăng trưởng và kháng sinh trong chăn nuôi; sử dụng hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm và tình trạng ô nhiễm môi trường đang tác động xấu tới sức khỏe, niềm tin người tiêu dùng. Vì vậy, sản xuất và sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm và thương hiệu uy tín đang là một xu hướng cần khuyến khích.
Thế nhưng, hiện nay nước ta chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, chủ yếu dựa vào tổ chức nước ngoài, trong khi chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có, hầu hết chỉ hỗ trợ cho sản xuất an toàn. Vì thế, theo các chuyên gia, nhà nước cần ban hành và phổ biến những quy trình, tiêu chuẩn rõ ràng về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hợp lý về đất đai, vốn, thuế, phí để giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, nhằm đưa thực phẩm nông nghiệp sạch đến người tiêu dùng, từng bước hạn chế và đẩy lùi thực phẩm bẩn, đảm bảo sức khỏe người dân, góp phần bảo vệ môi trường và cũng để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc như Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú trong tương lai.
TRẦN MINH TRƯỜNG