Có lẽ chưa bao giờ xã hội tiêu thụ lại bị giáng những đòn chí mạng như bây giờ. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài từ cuối năm 2008 đến nay đang ngày càng phát tác những hậu quả nặng nề, mà không có bất cứ chuyên gia nào dám chắc chắn thời điểm nó sẽ chấm dứt.
Ở Việt Nam chúng ta cũng đang chứng kiến hậu quả của suy thoái kinh tế tấn công ngày một mạnh mẽ vào từng nhà, từng doanh nghiệp, từng ngõ ngách của cuộc sống. Nếu trước đây chỉ có những gia đình nghèo khó, các đối tượng công nhân lao động mới nhận rõ sự tác động của suy giảm kinh tế khi nó ảnh hưởng trực tiếp lên bữa ăn, cái mặc hàng ngày thì giờ đây, cả giới nhà giàu, giới đại gia cũng đang thấm thía. Nền kinh tế từ mức lạm phát cao ngất ngưởng hai con số năm 2011, giờ đây đang có nguy cơ chìm vào giảm phát do sức mua tụt dốc trên diện rộng. Không chỉ hàng chục ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, “sức khỏe” của nhiều đại gia, thương hiệu nổi tiếng cũng đang đứng bên bờ vực phá sản. Không chỉ tình trạng chi tiêu vào các mặt hàng xa xỉ tụt dốc mà ngay chuyện ăn uống hàng ngày cũng được tiết giảm một cách tối đa từ người nghèo đến người có của ăn của để.
Chủ một chuỗi nhà hàng cao cấp chuyên phục vụ giới “cổ cồn” và thượng lưu ở trung tâm Sài Gòn than thở rằng, nếu cách đây một năm, kinh tế tuy đã khó khăn nhưng tình hình ăn uống, làm đẹp của khách hàng vẫn còn đông đúc, nhộn nhịp thì giờ đây chị đang phải giật mình. Từ sau Tết Nguyên đán tới nay lượng khách vào các nhà hàng chị giảm dần và hiện rất lèo tèo. Trước đây, khách chủ yếu quan tâm đến chất lượng món ăn ít đề cập đến giá cả, thì nay họ định giá tiền trước khi chọn món. Còn đối với dịch vụ làm đẹp, chị đã phải đóng cửa một trong 2 spa, trước đây từng nườm nượp khách…
Mặc dù có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại nhiều quốc gia, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận gốc rễ của nó xuất phát từ “lỗi hệ thống” của chủ nghĩa tư bản. Trong lúc một bộ phận lớn người lao động trên khắp thế giới đang phải trầy trật vượt qua nghèo đói, bệnh tật thì trong những năm qua, chủ nghĩa tư bản, thông qua nhiều biện pháp tinh vi, đã kích hoạt thành công chủ nghĩa tiêu thụ trên toàn cầu cùng các kỹ năng kiểm soát lên người tiêu dùng. Nói cách khác, trong nhiều năm qua phần lớn loài người đã “mắc bẫy” các nhà tư bản - đua nhau lao vào kiếm tiền và chạy theo những nhu cầu vật chất quá mức cần thiết.
Bởi, nếu chỉ để phục vụ những nhu cầu đảm bảo mục tiêu tăng trưởng thể chất lẫn tinh thần một cách bền vững, loài người không cần phải lao vào kiếm tiền và tiêu thụ một cách tối tăm mặt mũi, bất chấp mọi hậu quả. Đằng này, một bộ phận lớn dân chúng, đặc biệt ở các đô thị, đã bị kích hoạt vào tâm lý hưởng thụ, lòng tham, cái tôi vị kỷ, coi trọng vật chất để thay vì chú trọng vào sự tăng trưởng chiều sâu và bền vững của từng cá nhân (cân bằng thể chất và tinh thần, sự an lạc, biết sống hài hòa với thiên nhiên, coi trọng giá trị đạo đức, tính kết nối cộng đồng…) thì lại lao vào kiếm tiền để chủ yếu thỏa mãn những giá trị “ảo”, mang tính bề ngoài, dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường: Đạo đức, lối sống bị suy đồi; sức khỏe tinh thần lẫn thể chất bị băng hoại; môi trường tự nhiên lẫn xã hội bị tàn phá; xung đột, chiến tranh xảy ra khắp nơi; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại tràn lan khắp thế giới, đặc biệt ở những nước đang phát triển…
Liệu có không một sự sụp đổ của chủ nghĩa tiêu thụ từ cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị - xã hội hiện nay? Khó có câu trả lời, bởi đây là một vấn đề mang tính toàn cầu và tùy thuộc hoàn toàn vào khả năng thức tỉnh cũng như sự thay đổi mang tính toàn diện của số đông nhân loại. Tất nhiên, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân đang nỗ lực bằng mọi cách để vượt qua những khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, chúng ta sẽ vượt qua như thế nào hay lại rơi vào vết xe cũ sau một thời gian? Rõ ràng một sự thay đổi căn bản cần phải được tạo ra và đây chính là cơ hội có một không hai để các quốc gia xem xét lại một cách toàn diện và thấu đáo đường hướng, chính sách, chiến lược đã và đang được thực thi, từ đó tạo ra một cuộc cách mạng đồng bộ từ tư duy, nhận thức đến hành động, thực sự vì mục tiêu phát triển bền vững, vì lợi ích của số đông dân chúng. Ở phạm vi hẹp hơn, đây cũng chính là cơ hội hiếm có để mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, vì lợi ích bền vững của chính bản thân và cộng đồng mà chiêm nghiệm, thay đổi chính mình.
Trong khó khăn, bao giờ cũng là cơ hội.
PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG