Sổ tay

Trong “nguy” có “cơ”

Như thường lệ, vào dịp cuối năm, những hội thảo theo chủ đề nhìn lại năm cũ, dự báo tình hình năm mới lại nở rộ. Nhưng hội thảo “Thế giới và Việt Nam - Dự báo 2012” được tổ chức mới đây tại Hà Nội (nhân sự kiện “Thế giới 2012” - ấn phẩm nhượng quyền của “The Economist”, tạp chí kinh tế hàng đầu thế giới - ra mắt tại Việt Nam) vẫn đáng được nhắc đến nhờ những bài thuyết trình theo phong cách “đào sâu, nói thẳng” của The Economist.

TS Trần Đình Thiên trong bài phát biểu mở đầu hội thảo đã nửa đùa nửa thật “gợi ý” báo chí đề tài “Đầu tư ít, hiệu quả cao - phép màu nào cho nền kinh tế Việt Nam?”. Ông nói, lạm phát ở Việt Nam năm nay cao đáng ngại nhưng vấn đề cốt lõi ở chỗ lạm phát cao đã nhiều năm. “Số doanh nghiệp đóng cửa cao cũng đáng ngại nhưng còn phải cộng thêm vào đó nỗi lo ngại về lợi nhuận sụt giảm, quy mô thu hẹp của hàng chục ngàn doanh nghiệp khác trong nhiều năm trở lại đây để thấy rằng thời hoàng kim của đầu tư và thương mại năm 2007 có lẽ còn lâu lắm mới quay trở lại”, TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Vẫn nhà kinh tế này ví von một cách hình tượng rằng, không thể nhìn vào chỉ số tăng trưởng GDP “tĩnh” khoảng 6% của năm 2011 để đoán định tình hình, phải nhìn vào con số “động” là mức sụt giảm tới 0,8% so với năm 2010; nhìn vào biểu đồ tốc độ tăng vốn đầu tư những năm gần đây năm sau cao hơn năm trước trông thấy, trong khi GDP chỉ “nhẹ nhàng đi lên” còn CPI thì “cất cánh”.

TS Cấn Văn Lực, một chuyên gia kinh tế khác chia sẻ với ông Thiên nhưng lại cho rằng lạm phát chưa phải là nỗi lo lớn nhất trong năm tới vì nhu cầu nói chung trên thị trường thế giới và Việt Nam đang giảm. Ngay cả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ không “thê thảm” quá, vì các nền kinh tế đang gặp khó khăn lớn nhất (như EU hay Mỹ) không phải là các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

“Thương mại sẽ là câu chuyện lớn trong năm tới”, ông Lực quả quyết. Lượng hàng tồn kho của hầu hết các mặt hàng của chúng ta đang tăng, trừ dược phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đi bằng cả hai chân xuất khẩu và tiêu thụ nội địa một cách cân bằng và câu “hữu xạ tự nhiên hương” xem ra không còn đúng nữa. Không chỉ cần đến hàng hóa tốt, thậm chí thêm cả vị trí đắc địa cũng không đủ, các doanh nghiệp còn phải có cung cách bán hàng chuyên nghiệp và biết cách tự giới thiệu mình một cách tốt nhất. 

Tán đồng nhận định này, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Siêu thị Big C nói, ứng dụng công nghệ đối với các nhà bán lẻ lớn là hết sức quan trọng. Công nghệ không chỉ giúp nhà bán lẻ giới thiệu mình với khách hàng mà còn nắm bắt được nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của họ, để mời chào đúng cái khách hàng cần; cho phép họ dễ dàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa để thực sự tin tưởng vào chất lượng món hàng mình mua. Nhờ áp dụng công nghệ, nhà bán lẻ kiểm soát tốt hơn tình trạng hàng hóa tồn kho, tình trạng lưu giữ, bảo quản hàng hóa… để tiết giảm chi phí và hoạt động có hiệu quả nhất.

Vậy là, trong “nguy” có “cơ”, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại bình luận. Trong những sóng gió của năm 2011 vừa qua, vẫn có những doanh nghiệp tăng doanh thu tới 30% và lợi nhuận trên 20%. Vận dụng khéo léo những khuyến nghị, tháo vát xoay chuyển tình hình, doanh nghiệp nếu chưa thể “hóa rồng” trong năm 2012 thì cũng vẫn có thể “sống khỏe”.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục