Giờ tan trường tại một trường tiểu học “có tiếng” của quận 1, câu chuyện giữa hai bà mẹ xoay quanh chủ đề mua gì làm phần thưởng cho con kết thúc học kỳ 1.
- Người mẹ thứ 1: Mấy năm học trước, mỗi khi có kết quả kiểm tra tốt, con tôi chỉ đòi ba mẹ mua xe hơi điều khiển từ xa hoặc mấy loại máy bay lắp ghép mô hình. Không hiểu sao đến năm học này, ngay từ đầu năm thằng bé đã nằng nặc đòi mua điện thoại di động giá hơn 7 triệu đồng. Tôi gợi ý loại rẻ tiền hơn với hai chức năng chính là nghe, gọi và nhắn tin nhưng thằng bé một mực từ chối với lý do bạn bè trong lớp ai cũng có iPhone, iPad, nếu con xài “cùi bắp” (từ lóng dùng để chỉ điện thoại rẻ tiền - PV) thì ai thèm chơi với con. Tôi đau đầu ghê!
- Người mẹ thứ 2: Con tôi cũng thế. Mấy thứ laptop, notebook đắt tiền vợ chồng tôi còn chưa có nhưng thằng bé ở nhà cứ đòi mua. Hai vợ chồng đều “mù” công nghệ nhưng đến lớp học thêm thấy bạn bè con mình ai cũng có, thế là đành bàn cách mua trả góp cho con.
Đó chỉ là hai trong số vô vàn lời than thở của các ông bố, bà mẹ thời hiện đại. Nếu như lứa tuổi trước đây phải tốt nghiệp hết lớp 12, chỉ khi bước vào đại học mới làm quen với điện thoại di động, tuổi càng cao điện thoại di động càng có giá trị thấp.
Nhưng nếu đem so sánh với học sinh tiểu học ngày nay, ngay khi vừa đọc thông viết thạo các em đã biết bấm tin nhắn. 7 tuổi đã biết sử dụng iPad (máy tính bảng), smartphone (các dòng điện thoại thông minh). 10 tuổi biết chạy theo trào lưu “chém gió” trên facebook, chụp hình “tự sướng” bằng điện thoại có gắn camera ở cả mặt trước lẫn mặt sau. Ở nhiều gia đình, trị giá một chiếc điện thoại ba mẹ sắm cho con còn đắt hơn tổng giá trị hai chiếc điện thoại của ba và mẹ cộng lại.
Hậu quả của sự “tiến bộ” vượt bậc này là giờ ra chơi hoặc tan học, không còn cảnh học sinh tụm năm tụm ba chơi trò chơi đuổi bắt, nhảy dây... Thay vào đó là hình ảnh mỗi em cầm một chiếc smartphone trên tay, mải mê lướt net hoặc thả hồn theo những trò chơi xếp hình, nuôi thú trong thế giới ảo. Muốn tìm hiểu vấn đề gì, các em không còn thói quen hỏi giáo viên hoặc tra cứu ở thư viện. Bởi chỉ cần “một phút ba mươi giây” gõ từ khóa trên Google, tất tần tật mọi thông tin từ tốt lẫn xấu, chính thống hay bịa đặt đều xuất hiện trên màn hình nhỏ xíu. Thế nên mới có chuyện giáo viên than thở học sinh hiện nay ngày càng thụ động, lười phát biểu và sớm mất chuẩn về mặt ngôn ngữ.
Có thể nói chưa bao giờ thế giới ảo lại có sức hấp dẫn mãnh liệt, quyến rũ học sinh đến như vậy. Tại các điểm giao dịch của các nhà mạng, thống kê cho thấy nhu cầu đăng ký và sử dụng gói cước 3G với dung lượng lớn tập trung nhiều vào đối tượng học sinh, sinh viên. Giờ truy cập cao điểm thường rơi vào khoảng 22 giờ tối hôm trước kéo dài đến hơn 1 giờ sáng hôm sau, thời điểm học sinh đã hoàn thành bài vở, sa đà vào các cuộc “chém gió” trên facebook.
Thực tế kể trên chính là một trong những nguyên nhân khiến đề án sử dụng sách giáo khoa thông qua máy tính bảng theo gợi ý của Sở GD-ĐT TPHCM “vỡ từ trong trứng nước”. Người ta lo ngại ở lứa tuổi “học chưa xong, lo chưa tới”, các em sẽ không phân biệt được tốt, xấu, làm chủ hành vi tiếp cận môi trường Internet.
Song ngẫm cho cùng, nếu không cho phép sử dụng máy tính bảng vào giờ học chính khóa, học sinh vẫn có nhiều cơ hội tiếp cận phương tiện này thông qua hình thức vui chơi, giải trí vào giờ ra chơi hoặc sử dụng ở nhà như một hình thức tự học. Như vậy, thay vì “quản không được thì cấm”, ngành giáo dục nên xem xét lại tiện ích của các loại thiết bị hiện đại này, trên cơ sở gắn liền với nhu cầu sử dụng của học sinh.
Cùng với đó, đã đến lúc Bộ GD-ĐT bổ sung thêm môn học Internet và giáo dục ý thức sử dụng môi trường mạng cho học sinh như một đòi hỏi mới, chính đáng của ngành giáo dục. Chỉ khi làm được như thế, việc quản lý học sinh sử dụng các loại thiết bị số mới có hiệu quả, tránh tình trạng cấm nửa vời hiện nay.
NGỌC ANH