Trong nhịp sống tất bật và tốc độ đô thị hóa chóng mặt, tiếng trống vọng dồn dập bến sông sân đình, tỏa khắp không gian quê là nốt lặng thật đáng trân trọng.
Ngả nón trông đình
Đứng trên cầu nhìn xuống, ngôi đình Bình Thủy (Cần Thơ) như rộng và đẹp hơn. Mái đình lợp ngói đỏ lóng lánh hơn trên nền xanh cây trái sum suê. Sân đình thoáng đãng, kéo ra tận bến sông. Đình Bình Thủy, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo rộng hơn 5.000m² còn thờ nhiều nhân vật có công lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Bùi Hữu Nghĩa, Đinh Công Chánh, Nguyễn Trung Trực. Hàng năm đáo lệ kỳ yên, hai lần cúng tế cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt: Lễ Thượng điền (12, 13, 14 tháng tư âm lịch), lễ Hạ Điền (14, 15 tháng chạp).
“Hôm nay là hội đình Kỳ yên Thượng điền, là dịp để ghi nhớ công ơn các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu điền khai cơ, nhắc nhở con cháu trách nhiệm của mình với tiền nhân”, ông Phạm Văn Thảo, 69 tuổi, người ấp Bình Nhựt nói.
Ông Đinh Công Thế, Trưởng ban Quản trị đình, đã tròm trèm 90 tuổi mà nước da vẫn hồng hào, giao tiếp từ tốn. Ông kể: “Năm nay hội đình làm lớn nhân kỷ niệm 160 năm sắc phong Thành hoàng của làng Long Tuyền – Bình Thủy xưa (1852 – 2012). Nếp xưa làng cũ vẫn giữ gần như nguyên vẹn. 2 giờ sáng long xa rước sắc thần du ngoạn, đúng 12 giờ mới được mở ra. Dù có biến đổi địa giới nhưng từng ấp của “Lục ấp” làng Long Tuyền xưa vẫn soạn lễ dâng cúng...”.
Đúng 7 giờ, trời trong gió lặng, lễ cúng Thần nông bắt đầu, có bộ Tam sanh (bò, dê, heo) tinh khiết, khỏe mạnh cùng lời tế tri ân chân thành: “Trời đất mênh mông đối lẫn nhau. Lấy gỗ đẽo uốn cong làm cày, dạy dân cấy kịp. Hết thảy được mùa, dân chúng có hạt giống tốt…”. Nội dung văn tế được soạn tùy theo lễ túc yết, bàn soạn, sơn quân, thần nông hay tiễn khách. Dấu ấn văn hóa truyền thống lúa nước của người dân Việt thời mở cõi vẫn thấm đẫm trong tiếng sên phách hát bội, rộn ràng nhạc lễ rồi cuộc thi kết mâm cây trái, chèo ghe…
Đêm khai hội, sân khấu được dựng hoành tráng giữa sân đình. Tiếng trống vọng dồn dập bến sông sân đình, tỏa khắp không gian quê. Những truyền thuyết, giai thoại về nguồn gốc hình thành, lịch sử vùng đất, các nhân vật tên tuổi… được sân khấu hóa, sống động. Nghi thức cúng đình truyền thống như điệu bộ của học trò lễ, âm điệu nhạc lễ, nghi thức niệm hương, đọc văn khấn cầu quốc thái dân an được cách điệu sáng tạo, lôi cuốn người xem.
“Hội đình đâu chỉ là tâm linh tín ngưỡng mà còn lưu chuyển truyền thống, nhắc nhở tình nghĩa, trung tín, cách sống làm lành lánh dữ. Nó như máu chảy trong cơ thể vậy, mất đi là mất cội nguồn, bơ vơ trống trải lắm”, ông Đinh Công Thế khẳng định.
Níu giữ vốn cổ
Bí thư Quận ủy Bình Thủy Lê Hoàng Nam tâm sự, để một vùng đất sống động, dồi dào sinh lực, bên cạnh kinh tế rất cần chú trọng phát triển đời sống văn hóa, tinh thần. Và chính ông là người quyết định tổ chức lễ Kỳ yên Thượng điền đình Bình Thủy năm nay, tạo điểm nhấn cho văn hóa địa phương. Nhiều công trình, cơ sở văn hóa ở quận Bình Thủy (trùng tu chùa Long Quang, khu lưu niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, khu căn cứ Vườn Mận…) được nâng cấp bắt nguồn từ quan điểm đó. Cứ đến ngày rằm tháng giêng, trong ngày thơ Việt Nam, đình Bình Thủy lại trầm hùng bởi “Nam quốc sơn hà nam đế cư…”.
Tiếng vọng thiêng liêng đó còn được cất lên từ những “địa linh” khác khắp châu thổ như Tao đàn Chiêu Anh Các (Hà Tiên), Văn Xương Các (Vĩnh Long), đình Phú Tự với cây bạch mai cổ thụ chỉ nở hoa một lần vào đầu xuân và nở rộ vào rằm tháng giêng (Bến Tre)…
“Dù ai buôn bán gần xa/Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về”. Đình thần anh hùng Nguyễn Trung Trực bên bờ sông Kiên (Rạch Giá – Kiên Giang) từ hơn 100 năm rồi, cứ vào trung tuần tháng 8 âm lịch hàng năm, hàng ngàn người khắp các tỉnh trong ngoài khu vực lại về đây tưởng nhớ con người từng làm nên “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa”.
Lễ hội Vía Bà (An Giang) là sự kiện văn hóa tín ngưỡng, tạo lượng khách hành hương lớn nhất mảnh đất phên dậu phương Nam. Tiền Giang có lăng Tứ kiệt thờ 4 vị “sinh vi tướng, tử vi thần” thà đầu rơi chứ quyết không khuất phục Pháp (hội vào 15, 16 tháng 8 âm lịch) và bảo tồn làng cổ Đông Hiệp. Cần Thơ có công trình, ấn phẩm nghiên cứu văn hóa phi vật thể về chợ nổi, nhà cổ, phong tục người Việt ĐBSCL, văn hóa tết ĐBSCL…
Đó là cách sống nghĩa tình của người châu thổ, là sức mạnh cội nguồn khiến bao người xa quê khi trở lại vẫn thấy hồn quốc thổ, khiến người ta có thể tách bước rời khỏi quê hương nhưng không thể tách rời con tim khỏi quê hương.
Bảo tồn, phát huy trong biến đổi
“Văn minh miệt vườn” liệu có chênh vênh khi khắp châu thổ? Nhà lầu, chung cư thọc sâu, ăn vô cả ruộng vườn. Những dòng sông từng ôm lấy đồng bằng, bồi đắp tình thương cho vùng đất này đang cạn kiệt, ô nhiễm. Quan ngại hơn, một số giá trị trong đời sống tinh thần cư dân châu thổ đang bị tính hai mặt của cơ chế kinh tế thị trường tác động, phơi ra mặt trái, làm xô lệch, xấu đi nhiều mặt lối sống vốn bình dị, khiêm tốn, nhân hậu như một tính cách, một nét đẹp truyền thống Việt Nam.
“Hồn” làng có nhạt phai khi môi trường, không gian sống, không gian văn hóa đã biến đổi thật nhiều? Hội làng hiếm khi gặp lại những đồ chơi bằng đất bằng giấy sơn màu sặc sỡ từng khiến bao đứa trẻ quê mê mải, đắm say. Gánh hát bội Thành Phước ba đời chuyên hát sân đình của bầu Hiếu (Huỳnh Văn Hiếu) trở thành gánh hát bội cuối cùng trên đất Cần Thơ. Đờn ca tài tử, “đặc sản” Nam bộ đang được trình lên UNESCO trở thành di sản tầm cỡ thế giới nhưng nhạc công tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc) ngày càng phải đỏ đuốc kiếm tìm. Dù kê, Rô băm của người Khmer Nam bộ thì gồng mình trước thách thức…
Để bảo tồn, lưu giữ vốn cổ, bản sắc văn hóa cha ông hiệu quả, căn cơ, lâu dài rất cần có sự đánh giá nghiêm túc, toàn diện những tác động đó lên không gian văn hóa châu thổ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những công trình nghiên cứu xã hội, nhân văn nào đúng tầm mức.
Ngành văn hóa các địa phương cần nhanh chóng xác định, lập danh sách cần bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể (và loại bỏ những cái không tích cực, không phù hợp quy luật phát triển). Tôn vinh những nét đẹp của “văn hóa làng xã”, cái gốc của quốc gia thông qua việc làm mới, xây dựng lại các nghi thức về cưới xin, tang ma, các di tích lịch sử làng xã đến việc phục hồi nét đẹp phong tục, tập quán, lối sống, nghi thức lễ hội, các trò chơi dân gian... Văn hóa vật thể, dù khó khăn, người ta vẫn có thể bỏ tiền để trùng tu nâng cấp nhưng ứng xử với các giá trị văn hóa phi vật thể lại không chỉ có vậy.
“Bình Thủy vẫn còn không gian làng quê và chúng tôi đã có quy hoạch để giữ gìn, phát triển văn hóa – du lịch sinh thái”, ông Nguyễn Văn Đỉnh, Trưởng Phòng VHTTDL quận Bình Thủy chia sẻ. Long Tuyền - Bình Thủy tuy tiếp xúc với nhiều nền văn hóa (Pháp, Nhật, Mỹ...) nhưng vẫn tạo ra, giữ gìn được bản sắc văn minh miệt vườn sông nước rất riêng, rất độc đáo và đó chính là nội lực giúp Long Tuyền đứng vững, phát triển trên vùng đất mới đầy biến động.
Đi dọc triền đê, miên man nhớ lại lời cụ Sơn Nam: Khi nghe tiếng trống đình, tiếng chuông chùa, thấy cây cổ thụ, thấy bụi trúc xinh xinh, ta vẫn còn xúc động, mặc dù đang sống trong thời buổi có đàn “ọt-gân”, đồ dùng trong nhà phần lớn là đồ điện tử, nhựa hóa học. Đừng để “hồn” quê đi mất...
VŨ THỐNG NHẤT