Trưa 11-10, tàu Sunrise 689 cập cảng Vũng Tàu: Hành trình hiểm nguy

Ngày 11-10, tàu Sunrise 689 do lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 lai dắt từ khu vực biển Cà Mau về đất liền đã vào đến khu vực phao số 0 thuộc cảng biển Vũng Tàu. Lực lượng chức năng đã tiếp cận tàu Sunrise 689 để ghi nhận thông tin từ các thuyền viên.
Trưa 11-10, tàu Sunrise 689 cập cảng Vũng Tàu: Hành trình hiểm nguy

Ngày 11-10, tàu Sunrise 689 do lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 lai dắt từ khu vực biển Cà Mau về đất liền đã vào đến khu vực phao số 0 thuộc cảng biển Vũng Tàu. Lực lượng chức năng đã tiếp cận tàu Sunrise 689 để ghi nhận thông tin từ các thuyền viên.

Thuyền viên thoát chết trong gang tấc

18 giờ 11-10, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Lê Lợi, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để trò chuyện cùng anh Lê Đại Thành, máy trưởng tàu Sunrise 689, đang được cấp cứu tại đây do vết thương nặng.

Tinh thần vẫn còn hoang mang, anh Thành cho biết: “Khoảng 4 giờ ngày 2-10, tôi nghe tiếng động ngoài cửa, gặp 2 thuyền viên đang đánh răng, tôi hỏi: “Có nghe tiếng gì không?”. Vừa nghe trả lời: “Không” thì xuất hiện 3 đối tượng trượt từ cầu thang xuống, trên tay cầm dao và có cả súng. Theo phản xạ, tôi bảo mọi người đóng cửa phòng lại. Tôi giằng co và tìm đồ để chống trả thì bên ngoài đối tượng phá mạnh quá, cửa bung ra, chúng tôi không có một thứ gì có thể chống đỡ được bọn cướp. Tôi cũng nghĩ, bọn chúng vào chắc sẽ chém chết nên chui cửa sổ ra. Trong lúc hoảng loạn và trèo ra không cẩn thận nên tôi bị rớt từ tầng 3 xuống tầng 2, chân trái bị sưng nặng. Sau đó, tôi men theo tấm bạt và nằm nấp vào trong đó. Nhờ trời tối nên tôi đã nép vào đó và bọn cướp cũng tưởng tôi đã chết nên không truy sát”.

Máy trưởng Lê Đại Thành đang được chữa trị tại BV đa khoa Lê Lợi.

Ngừng một lúc lấy bình tĩnh, anh Lê Đại Thành kể tiếp: “sau đó bọn chúng đã đi từng phòng, khống chế anh em. Đến hơn 7 giờ cùng ngày, các đối tượng đi lòng vòng. Thấy tôi nằm nấp trong tấm bạt, bọn chúng đưa tôi vào phòng kín khoảng 10m², trong đó có các anh em cũng bị nhốt trong đó. Toàn bộ thuyền viên rất khó chịu vì ngột ngạt và hoảng loạn. Trong quá trình khống chế, bọn chúng nhốt toàn bộ anh em liên tục 6 ngày trong phòng, có 3 đến 4 tên canh cửa. Ngày đầu, bọn chúng không cho ăn gì cả. Ngày kế tiếp, 2 thằng áp tải anh đầu bếp để nấu đồ ăn đúng 1 bữa. Sau đó, chúng áp tải 6 người một lần xuống bếp ăn cơm trong phòng. Cứ như thế trong 6 ngày. Bọn chúng đe dọa, thuyền viên nào manh động sẽ sẵn sàng giết chết. Trong tay bọn chúng lúc nào cũng lăm lăm súng, con dao dài 60 phân để khống chế các thuyền viên. Tôi bị thương nên nằm một chỗ và chỉ biết mặt 7 tên cướp biển, số còn lại không biết rõ. Bọn cướp trao đổi với anh thuyền trưởng bằng tiếng Anh và nói chuyện với nhau bằng tiếng Malaysia hoặc tiếng Indonesia, tôi cũng không rõ. Nhưng nhiều khả năng là tiếng Indonesia nhiều hơn. Tôi đi biển đã 30 năm nhưng chưa gặp cướp biển bao giờ. Bọn chúng quá hung hãn nên chúng tôi rất hoảng sợ và dẫn đến tai nạn của mình”.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hỗ trợ tàu Sunrise 689.

Theo mô tả của anh Thành, địa điểm tàu bị tấn công không quá xa Singapore. Bọn cướp biển không dưới 30 tên, đã mở rộng địa điểm hoạt động ra giáp với Singapore chứ không đơn thuần là eo biển Malacca. Biển cả thì rất bao la, bọn chúng không khác gì những người trong bóng tối, đi trên tàu cá giả dạng để ẩn nấp trên đó, rình rập và hành động, Những con mồi nào “ưng ý”, bọn chúng ra tay hành động. Ban đầu, bọn chúng đầu bịt áo len, sau 2 ngày, bọn chúng bỏ hẳn mũ ra và không sợ gì nữa.

Động viên, thăm hỏi các thuyền viên

Trưa 11-10, Tổ công tác, gồm: lãnh đạo Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã tiếp cận tàu Sunrise 689 để tiến hành thẩm vấn các thuyền viên, thu thập các chứng cứ điều tra liên quan đến việc tàu Sunrise 689 bị cướp biển khống chế, cướp dầu.

Đại tá Lê Xuân Thanh, đại diện cho Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 3 thông tin, các thuyền viên đã tường thuật lại với Tổ công tác về quá trình xảy ra vụ việc. Ngay trong ngày, Tổ công tác đã tiến hành thu thập hồ sơ điều tra ban đầu của lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 để tiến hành các thủ tục nhập cảnh cho các thuyền viên vào đất liền. Đại tá Lê Xuân Thanh xác nhận, sức khỏe các thuyền viên của tàu Sunrise 689 đã ổn định.

Cùng ngày, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ Giao thông - Vận tải đã đến động viên và tặng quà cho các thuyền viên bị nạn. Qua khảo sát ban đầu trên tàu Sunrise 689 và theo trình bày của các thuyền viên, có 10 đối tượng sử dụng súng ngắn và dao để khống chế các thuyền viên vào một căn phòng. Sau đó, các đối tượng này rút dầu trên tàu, đập phá các hệ thống định vị, thiết bị dẫn đường, các phòng ở, phòng làm việc của các thuyền viên. Sau khi rời khỏi tàu, các đối tượng này còn lấy toàn bộ các lương thực, thực phẩm dự trữ trên tàu, các vật dụng cá nhân.

Cán bộ chiến sĩ của tàu CSB 2004 đã lấy nguồn lương thực thực phẩm dự trữ của tàu CSB 2004 để hỗ trợ cho các thuyền viên tàu Sunrise 689. Trong quá trình lai dắt tàu Sunrise 689 về cảng Vũng Tàu, nhờ được lực lượng cảnh sát biển thường xuyên động viên và chăm sóc sức khỏe, các thuyền viên tàu Sunrise 689 đã ổn định tinh thần.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Đại tá Lê Tiến Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chính thức tiếp nhận tàu Sunrise 689 nhằm phục vụ cho quá trình điều tra. Lực lượng chức năng cũng ghi nhận, con tàu có dấu hiệu bị tấn công để hút dầu. Trên tàu có dấu hiệu bị đập phá, hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt.

Theo Đại tá Lê Tiến Hiểu, tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công hay không còn phải chờ vào kết quả điều tra trong thời gian tới của cơ quan chức năng.

ĐỨC TRUNG

>> Rạng sáng 11-10, tàu Sunrise 689 về đến Vũng Tàu

Tin cùng chuyên mục