Trung phong ảo hay thật?

Chỉ cần hoà Bắc Ailen, họ sẽ có 5 điểm và chính thức giành quyền vào giai đoạn 2. Tuy nhiên, nếu chúng ta mang cái kịch bản ấy ra mời chào thì gần như chắc chắn là sẽ chỉ được đón nhận một cách miễn cưỡng hoặc thậm chí bị từ chối thẳng thừng, nhất là với khán giả Đức.

Chỉ cần hoà Bắc Ailen, họ sẽ có 5 điểm và chính thức giành quyền vào giai đoạn 2. Tuy nhiên, nếu chúng ta mang cái kịch bản ấy ra mời chào thì gần như chắc chắn là sẽ chỉ được đón nhận một cách miễn cưỡng hoặc thậm chí bị từ chối thẳng thừng, nhất là với khán giả Đức.

1.Lý do quá đơn giản: Một đội tuyển từng thắng Brazil tới 7-1 và sau đó vô địch World Cup 2014 ngay trên đất Brazil mà lại “đi vé rẻ” ở EURO kỳ này thì còn gì là thể diện! Họ nhất thiết phải lấy vé nhất bảng bằng cách thắng Bắc Ailen - và phải thật thuyết phục, phải thắng bằng một tỷ số ít nhất cũng tương đương với kết quả mà Ba Lan có thể thắng Ucraina. Đã là một cường quốc bóng đá, một ứng cử viên vô địch được quan tâm theo dõi ở khắp nơi thì phải chịu ràng buộc như thế đó!

Có điều, dư luận đòi hỏi Joachim Loew phải thế này thế nọ nhưng hình như dư luận... vẫn chưa tin ông có thể đáp ứng được. Trước vòng đấu sau cùng của bảng C, một cây bút bình luận quốc tế nhận xét: Đức có thể được xem là đội hình mạnh nhất giải khi họ đạt phong độ tốt nhất. Tuy nhiên, những lúc tốt nhất ấy mới hiếm hoi làm sao. Trận thắng Ucraina 2-0 là một dẫn chứng tiêu biểu: Có giai đoạn họ trình diễn cực đỉnh và cũng có nhiều giai đoạn họ quá kém thuyết phục, thật sự bị áp lực từ phía đối phương. Kể từ World Cup 2014 đến nay, đã có khá nhiều trận diễn ra như vậy.

Mario Goetze đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình ở giải đấu này?

2.Một phần là do cách chọn lối chơi. Như thực tế đang cho thấy, trung phong thực thụ Mario Gomez không hề có tên trong thành phần xuất phát từ đầu EURO đến nay. Thay vào đó, vẫn như 2 năm gần đây, Loew tiếp tục dùng cái công thức từng mang lại chiến thắng 1-0 ở trận chung kết World Cup 2014: Bố trí một Mario khác - tiền vệ Mario Goetze - làm “trung phong ảo”. Kết quả là Goetze không hề có chỗ trống để nhận bóng, cũng không thể lôi kéo hậu vệ đối thủ để tạo khoảng trống cho đồng đội một khi đối phương chủ động lui về, thu hẹp cự ly giữa các tuyến. Nói cách khác, không như công thức “trung phong ảo” mà Tây Ban Nha từng áp dụng ở EURO 2012 (và bây giờ đã bỏ rồi), “trung phong ảo” của Đức dễ bị hoá giải hơn nhiều.

Điều này phơi bày rõ rệt trước hàng phòng ngự đông đảo nhưng rất có quy củ của Ba Lan. Nó hoàn toàn có thể xảy ra lần nữa khi thầy trò Loew đối diện Bắc Ailen, do đối thủ này sẵn sàng chào đón một kết quả hoà. Vậy thì phải thế nào?

3.Theo giới bình luận, cách thứ nhất là bỏ luôn “trung phong ảo”. Nếu Goetze không thể luồn ra sau hậu vệ đối phương để nhận bóng ở vị trí ghi bàn, nếu các tiền vệ còn lại không đủ lắt léo để làm đối thủ phải xáo trộn thì còn chờ gì mà không đưa ngay tiền đạo Mario Gomez vào cuộc. Có thể Gomez không giàu kỹ thuật bằng Goetze, khó phối hợp nhỏ hơn Goetze nhưng bù lại thì việc phối hợp tấn công của toàn hệ thống sẽ đa dạng hơn.

Cách thứ nhì phức tạp hơn một chút: Vẫn dùng “trung phong ảo” nhưng thay vì Goetze thì đẩy Thomas Mueller lên trên vì anh này không chỉ nhạy bén mà còn có sức càn lướt và tốc độ rất tốt. Cùng lúc đó, tiền vệ Toni Kroos cũng cần được đẩy lên sát phía sau Mueller - đây chính là vị trí từng giúp Kroos vụt nổi tiếng và được chuyển nhượng sang Real Madrid với giá hàng chục triệu. Với cách sắp xếp như vậy, Goetze nhiều khả năng sẽ phải ngồi dự bị, nhường chỗ lại cho một tiền vệ cũng mạnh mẽ như Mueller và Kroos để giúp hàng công “đồng điệu” hơn.
 
4.Nhưng tất nhiên, dự báo thì dự báo, thực tế vẫn có thể diễn ra khác hẳn. Chỉ có một thứ không đổi: Như đã nêu trên, thầy trò Joachim Loew cần giành quyền vào giai đoạn 2 bằng một trận thắng rạng ngời trước Bắc Ailen. Đội tuyển Đức là một ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch EURO 2016 nhưng nếu trở ngại nhỏ trước mắt mà không thắng được một cách thuyết phục thì làm sao dám gửi gắm niềm tin cho mục tiêu lớn?!

Tiến Minh

Tin cùng chuyên mục