Trung Quốc: Khổ vì nước!

Trung Quốc: Khổ vì nước!

Thái Hồ thuộc tỉnh Giang Tô (Đông Trung Quốc). Đó từng là một chốn nên thơ, với mặt nước mênh mông, trong vắt và xa xa là những quả đồi xanh màu cây cỏ, luôn tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ thi sĩ... Nhưng tiếc thay, Thái Hồ đang bốc lên mùi hôi, bởi loại rong màu lục pha lam đã xâm chiếm hơn một nửa mặt nước. Đây là một trong những điển hình của ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc.

Phải uống nước đóng chai

Trung Quốc: Khổ vì nước! ảnh 1

Ảnh vệ tinh cho thấy Thái Hồ đang bị ô nhiễm nặng

Từ hơn một tháng nay, người dân các thành phố ven hồ lớn thứ ba Trung Quốc này phải uống nước đóng chai vì nước chảy ra từ các vòi trong nhà có màu nâu và mùi hôi.

Lãnh đạo tỉnh Giang Tô bị chỉ trích vì không đóng cửa các nhà máy ô nhiễm đã góp phần vào việc phát triển của rong. Trong rong có các vi khuẩn độc hại với cỏ cây và sinh vật, cả con người. Rong phát triển khiến nhà chức trách buộc phải tạm cắt nguồn nước từ Thái Hồ cung cấp cho hàng triệu cư dân Vô Tứ, thành phố lớn nhất nằm bên Tây Hồ.

Vô Tứ là một trong những trung tâm của “phép lạ kinh tế” Trung Quốc. Cây cối được trồng nhiều tại các khu vực có nhà máy của các hãng nước ngoài. Nhưng màu xanh đó chỉ là bề nổi. Nguồn nước – cần thiết hơn cho sự sống – lại không được quan tâm.

Từng có các báo động về rong màu lục pha lam. Năm 2005, Viện Địa lý Nam Kinh đã cảnh báo nạn ô nhiễm sinh học và công nghiệp tại khu vực quanh Thái Hồ, nơi có đến 60.000 nhà máy lớn nhỏ tọa lạc. Nhưng... chẳng ăn thua.

Ông Phan Dục, phó giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường quốc gia (SEPA), cho biết: “Cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế thông qua công nghiệp hóa đã đẩy các nguồn tài nguyên và môi trường Trung Quốc đến “điểm chết” và cuộc sống hằng ngày của nhân dân bị đe dọa nghiêm trọng”. Theo ông, “các phương pháp quản lý truyền thống không thể giải quyết các vấn đề môi trường đang ngày càng nhiều thêm”.

Quy mô hiểm họa là quá lớn. Ông Dục cho rằng, 26% lượng nước của 7 con sông lớn nhất Trung Quốc đã bị ô nhiễm. Theo ông, 7 trong số 9 hồ lớn (trong đó có Thái Hồ rộng 2.250km2) được chính phủ quan tâm theo dõi cũng đã bị ô nhiễm nặng, không sinh vật nào có thể sống sót, cả tắm giặt cũng rất nguy hiểm.

60.000 trẻ em chết mỗi năm

Trung Quốc: Khổ vì nước! ảnh 2

Sông ô nhiễm vì nước thải công nghiệp ngày càng nhiều ở Trung Quốc

Ngân hàng Thế giới và các nhà nghiên cứu của Chính phủ Trung Quốc ước tính, mỗi năm, khoảng 60.000 trẻ em Trung Quốc chết vì chất lượng nước uống quá tồi, đặc biệt ở nông thôn.

Theo ông Dục, trong suốt hơn 10 năm, Chính phủ Trung Quốc đã chi nhiều khoản tiền lớn giải quyết nạn ô nhiễm nguồn nước ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, tốc độ giải quyết luôn tụt lại khá xa so với tốc độ phá hoại và nay thì ngay cả một số khu vực được cải thiện, nước trong xanh cũng đã bị ô nhiễm trở lại.

Ô nhiễm nguồn nước trở thành một đề tài nóng bỏng. Đến nỗi, Thủ tướng Ôn Gia Bảo gần đây phải ra lệnh cho các quan chức địa phương “củng cố việc giám sát và ban hành lệnh cấm các nhà máy đổ chất thải độc hại vào các hồ nước”.

Nhằm buộc các chính quyền địa phương có biện pháp mạnh với những doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng, ông Dục cho biết SEPA sẽ không cấp phép về môi trường cho các dự án công nghiệp tại 6 thành phố, 3 vùng và 5 khu công nghiệp. Việc ngưng cấp phép sẽ được duy trì đến khi những nơi đó cải thiện xong chất lượng nguồn nước.

Động thái trên có thể không có tác động lớn bởi các quan chức địa phương thường... không sợ SEPA. Tuy nhiên, ông Dục cho biết ông hy vọng vào áp lực của dư luận, nhờ đó các quan chức địa phương sẽ nghe theo SEPA. SEPA sẽ công bố danh sách các công ty gây ô nhiễm cũng như các khu vực ô nhiễm, giúp mọi người có thể giám sát việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước.

Thụy Anh (Theo Financial Times, Nouvel Observateur)

Tin cùng chuyên mục