Chiều 9-5, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức gặp gỡ báo chí và ra “Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam”. Cùng ngày, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã ra tuyên bố, kịch liệt phản đối các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này vô điều kiện.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc
Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch hội kiêm Tổng thư ký hội đọc bản tuyên bố ghi rõ: “Ngày 2-5, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD981 tại tọa độ 15029’58” vĩ Bắc - 111012’06” kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự.
Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật - tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa nghiêm trọng tính mạng. Khu vực giàn khoan HD981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hiệp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để kiện
Ngay sau tuyên bố, Hội Luật gia Việt Nam đã làm sáng tỏ nhiều câu hỏi của báo giới, thể hiện rõ quan điểm của hội xung quanh hành động bất hợp pháp của Trung Quốc vừa qua.
Luật sư Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết: Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 đã đề ra chế tài, thủ tục, chế định để các bên có thể đưa vấn đề lên cơ quan tài phán quốc tế về luật biển. Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều đó. Philippines đã làm, họ đã có hồ sơ rất đầy đủ kiện lên Hội đồng trọng tài. Hội đồng đã được thành lập với 5 thành viên. Việc làm trên đã nhận được sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực. Việc làm của Trung Quốc tương tự như đã làm với Philippines, nên Việt Nam là thành viên, Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều chính đáng, một biện pháp hòa bình, đó là kiện Trung Quốc ra tòa.
Ông Trần Công Trục cho biết thêm về nguyên tắc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói, Việt Nam sẵn sàng áp dụng tất cả các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Theo tôi, các cơ quan chức năng Việt Nam đã chuẩn bị rồi, chuẩn bị rất lâu rồi, giờ nên hoàn thiện thêm. Ta không nên sốt ruột. Việc này không thể nói là làm ngay. Dù ta có đủ chứng cứ cần thiết, nhưng đã làm cần phải chắc phần thắng, đề phòng tất cả khả năng. Ngay cả lực lượng luật sư cũng phải sẵn sàng. Hiện nay, thế mạnh của Việt Nam là lẽ phải và pháp lý.
Trước câu hỏi khả năng thắng kiện của Việt Nam khi đưa vụ việc ra tòa, ông Trần Công Trục cho biết: “Nói thật khách quan, với tư cách người nghiên cứu nhiều năm, tôi cho rằng nếu ta đưa vụ kiện lên các cơ quan quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng. Vì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở để kiện. Tuy nhiên, kiện lên cơ quan tài phán có cả một quá trình với các thủ tục. Khi kiện ra tòa, tôi cho rằng có những vấn đề không chỉ ở pháp lý, chân lý, mà còn thái độ của ủy viên tham gia hội đồng xét xử. Nên ta phải chuẩn bị rất nhiều biện pháp để tiếng nói chân lý được thành hiện thực. Philippines kiện cách đây đã lâu, nhưng giờ vẫn trong giai đoạn thụ lý… Song, ít nhất nếu kiện, thì chúng ta có thể nói với thế giới là Việt Nam có niềm tin đối với chân lý”.
Bày tỏ quan điểm về việc phía Trung Quốc có tuyên bố Việt Nam rút tàu mới đàm phán, ông Trần Công Trục khẳng định: “Không có lý gì mà Việt Nam phải rút tàu trước khi ngồi vào đàm phán. Vị trí giàn khoan HD981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không dính dáng gì đến vùng gọi là vùng chồng lấn, vùng thuộc hòn đảo mà họ chiếm của Việt Nam. Vùng này hoàn toàn của Việt Nam nên lực lượng chức năng của Việt Nam hoạt động thực thi luật pháp là bình thường. Ta rất kiên trì, kiềm chế, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào”.
Ngư dân Việt Nam vẫn bám biển
Chiều tối 9-5, tại Hà Nội, Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức cuộc họp báo để phản đối hành động sai trái của Trung Quốc khi đưa giàn khoan HD981 vào đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, đồng thời gây sức ép đối với các tàu làm nhiệm vụ của Việt Nam trên biển Đông.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, đến ngày 9-5, sức khỏe của 6 kiểm ngư viên bị thương do tàu Trung Quốc phun vòi rồng và đâm vào tàu của lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã bình phục và có thể làm các công việc bình thường trên tàu. Hiện vẫn chưa phát sinh thêm kiểm ngư viên bị thương tích. Trước diễn biến của sự việc trong những ngày qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Kiểm ngư cùng UBND các tỉnh và sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố thông báo về tình hình và động viên bà con ngư dân tiếp tục hăng hái tham gia thi đua phát triển sản xuất. Bởi hiện nay đang là thời điểm chính vụ cá Nam nên thủy hải sản xuất hiện nhiều trên biển, sản lượng dồi dào.
Cục Kiểm ngư cũng khuyến cáo bà con ngư dân khi ra biển đánh bắt cá nên đi theo từng tổ đội sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau cùng sản xuất. Ông Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh: “Bà con ngư dân yên tâm sản xuất vì phía sau đã có lực lượng kiểm ngư sẵn sàng hỗ trợ trên biển khi cần thiết”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trung, hiện nay bà con ngư dân vẫn đang kiên cường bám biển, tích cực sản xuất để không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng thu hoạch, ngay cả ở những ngư trường xa như khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Số lượng các tàu cá ra khơi thời điểm hiện nay tăng so với dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
Sáng 9-5, đông đảo đoàn viên của Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tổ chức buổi sinh hoạt thường kỳ trao đổi kinh nghiệm, sản lượng đánh bắt… tại Hội trường Trung tâm văn hóa thể thao huyện Lý Sơn. Nhiều ngư dân phản ảnh từ ngày Trung Quốc đặt giàn khoan cách đảo Lý Sơn chỉ 119 hải lý, dùng vòi rồng xịt nước, đánh đuổi khiến việc khai thác của ngư dân khó khăn.
Tại buổi sinh hoạt, Nghiệp đoàn Nghề cá Lý Sơn đã ra thông báo yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức dừng các hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD981 cùng lực lượng tàu bè ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời kêu gọi bà con ngư dân tiếp tục phát huy truyền thống của hùng binh Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải (Trường Sa) kiên định bám sát ngư trường để tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 9-5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có thư động viên, thăm hỏi các đồng chí thuộc Chi đội Kiểm ngư số 3, Vùng II thuộc lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã dũng cảm, kiên cường bám biển trong những ngày qua. Đồng thời, Bộ NN-PTNT tổ chức tặng 140 triệu đồng cho các tàu kiểm ngư bị thiệt hại và 2 triệu đồng cho mỗi cán bộ kiểm ngư bị thương trong vụ việc vừa qua.
Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay 10-5, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cùng Hội Nghề cá Việt Nam sẽ trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà cho các cán bộ thuộc lực lượng kiểm ngư ở Chi đội Kiểm ngư số 3, Vùng II.
| |
*****
Tàu Trung Quốc lại đâm tàu cá Việt Nam Ngày 9-5, ông Lê Khuân, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Ngày 29-4, ông cùng 16 ngư dân rời cảng Lý Sơn hướng thẳng ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. Đến sáng 7-5, khi tàu đang đánh bắt, cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng) khoảng 15 hải lý về phía Nam, cách vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan dầu HD981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 70 hải lý về phía Đông, bỗng xuất hiện tàu chiến của Trung Quốc. |
NHÓM PV
>> Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
>> Tranh chấp trên biển Đông phải được giải quyết theo đúng luật quốc tế